Thứ bảy, 21/12/2024 | 22:03 GMT+7

Đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng xanh giai đoạn 2021-2025

06/09/2021

Đó là một trong những mục tiêu của Nghị quyết số 99/NQ-CP (ngày 30/8/2021) Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 vừa được Chính phủ ban hành.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế; kiên quyết không để xảy ra khủng hoảng y tế và kinh tế, xã hội.
Việc phát triển năng lượng xanh không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn góp phần giảm tiêu hao năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính (Nguồn: Internet)
Nghị quyết nêu rõ phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hoá chất, phân bón, vật liệu. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ như công nghệ thông tin và viễn thông, điện tử, trí tuệ nhân tạo, sản xuất robot, công nghiệp ô tô, công nghệ sinh học, điện tử y sinh, sản xuất phần mềm, sản phẩm số, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. 
Cơ cấu lại các nguồn năng lượng theo hướng tăng cường hợp tác về phát triển nguồn cung từ bên ngoài và đa dạng hóa phát triển nguồn cung năng lượng trong nước. Đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả. Xanh hoá ngành năng lượng theo hướng phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng; thực hiện chương trình tiết kiệm điện trong sản xuất, truyền tải và phân phối; bảo đảm an toàn và chống thất thoát điện.
Tiếp tục phân cấp mạnh mẽ trong quản lý và đầu tư xây dựng công trình. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức và giá xây dựng. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong đầu tư xây dựng, nâng cao năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Từng bước phát triển ngành vật liệu xây dựng thành một ngành kinh tế mạnh, trên cơ sở khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, sinh thái. Tập trung các giải pháp phát triển thị trường vật liệu xây dựng ổn định bền vững, tăng tỷ lệ sử dụng vật liệu xây dựng thay thế, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng, thân thiện với môi trường.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, kết nối vùng và liên vùng, tạo sự liên kết, hiệu ứng lan tỏa, gia tăng động lực tăng trưởng. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 90% kế hoạch Quốc hội giao. 
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Trong đó, về hạ tầng năng lượng, xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý trong sử dụng phát triển hệ thống cơ sở vật chất và dịch vụ hạ tầng năng lượng; có cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện, tách bạch với độc quyền nhà nước về truyền tải điện. Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, khuyến khích phát triển lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo và sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế. Phấn đấu tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm.
Theo: Trang tin điện tử ngành điện