Tại báo cáo tác động của dự thảo xây dựng Luật Điện lực, Bộ Công Thương đã chỉ ra các vấn đề tồn tại, bao gồm:
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet Vấn đề thứ nhất là thiếu quy định cụ thể về giá điện theo thời gian sử dụng, cơ chế thanh toán và hướng dẫn chi tiết liên quan.
Tiếp đến là chưa có phương pháp định giá cho biểu giá TOU linh hoạt cho thực hiện điều chỉnh phụ tải điện; giá điện 2 thành phần công suất và điện năng.
Vấn đề 3 là chưa có quy định về việc thanh toán cho sản lượng điện điều chỉnh hoặc sản lượng điện tiết giảm của chương trình điều chỉnh phụ tải điện, chương trình quản lý nhu cầu điện và quy trình hướng dẫn thanh toán.
Vấn đề 4 là chưa có quy định về trách nhiệm xây dựng, ban hành cơ chế giá và cơ chế thanh toán; quy định bắt buộc thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện và chương trình điều chỉnh phụ tải điện, bao gồm cả xử phạt vi phạm pháp luật liên quan.
Vấn đề 5 là chưa có chương trình khuyến khích, thúc đẩy các đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối và sử dụng điện tuân thủ các quy định của Luật Điện lực, nâng cao ý thức về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo đảo cung cấp đủ nguồn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Vấn đề 6 là một số nội dung về tiết kiệm điện đã được quy định trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tuy nhiên tiết kiệm điện trong phát điện, truyền tải và phân phối điện, quản lý nhu cầu điện chưa được quy định đầy đủ, chi tiết tại Luật Điện lực và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Do đó, Luật Điện lực cần được hoàn thiện nhằm: Tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện. Đảm bảo sự phù hợp và đồng bộ giữa chính sách phát triển điện lực với các chính sách có liên quan khác, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đồng thời, khắc phục các bất cập trong quá trình thực thi Luật Điện lực hiện hành.
Bộ Công Thương cho rằng việc hoàn thiện thể chế, chính sách về tiết kiệm điện và thực hiện điều chỉnh phụ tải theo yêu cầu của hệ thống điện nhằm thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tăng cường ổn định hệ thống điện và an toàn cung cấp điện nhằm mục tiêu thực hiện chính sách Đảng ta đề ra tại khoản 6 Phần III Nghị quyết số 55/NQ-TW.
Đổi mới các nội dung quy định tại luật nhằm nâng cao tính khả thi và tính hiệu quả trong thực thi pháp luật về điện lực, đáp ứng yêu cầu của phát triển ngành điện nói chung và thị trường điện lực cạnh tranh nói riêng, tiến tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh, trong đó, trọng tâm là điều chỉnh cơ chế giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; bảo đảm phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của các đơn vị điện lực, không phân biệt đối xử trong hoạt động điện lực, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các hoạt động điện lực; kết hợp hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện, đơn vị điện lực và Nhà nước.
Xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích sử dụng điện an toàn, tiết kiệm hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển năng lượng bền vững, đồng thời, hoàn thiện quy định để ràng buộc trách nhiệm của khách hàng sử dụng điện trong quá trình sử dụng điện nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, giảm thiểu thiệt hại cho gia đình và xã hội.
Điện lực là lĩnh vực tương đối phức tạp, có sự liên quan đến nhiều pháp luật khác, trong khi đó, Luật Điện lực được ban hành cách đây hơn 15 năm, nên khó tránh khỏi một số nội dung tại Luật Điện lực đã lỗi thời hoặc có sự chồng chéo với pháp luật khác. Do đó, cần rà soát quy định tại Luật Điện lực để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực nhằm giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thực tiễn thi hành hiện nay.
Hà Trần t/h