Thứ sáu, 22/11/2024 | 14:38 GMT+7

Việt Nam luôn định hướng phát triển ngành năng lượng một cách bền vững

01/06/2021

Chiều ngày 28/5/2021, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Ngài Alok Sharma, Chủ tịch Hội nghị Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26)

Chiều ngày 28/5/2021, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Ngài Alok Sharma, Chủ tịch Hội nghị Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) nhằm trao đổi cởi mở những vấn đề hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển kinh tế xanh hơn.

Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có lãnh đạo các đơn vị: Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Vụ Dầu khí than, Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, về phía UK có Ngài Gareth Ward, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ai-len tại Việt Nam và đoàn công tác của Vương quốc Anh.

Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đánh giá cao chuyến công du của Ngài Nghị sỹ đến Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Điều đó chứng tỏ Vương quốc Anh nói riêng và của các quốc gia phát triển nói chung rất quan tâm, chia sẻ, hợp tác và hỗ trợ Việt Nam đối với hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, luôn chủ động, tích cực đóng góp có hiệu quả vào quá trình đàm phán thực hiện các hiệp định song phương và đa phương về thương mại, đầu tư, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên việc sớm cập nhật Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), với tinh thần nâng cao mục tiêu cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính và tính toán đầy đủ các kịch bản để tổ chức triển khai thực hiện cho giai đoạn 2021-2030.

Trong tổng phát thải quốc gia, lĩnh vực năng lượng chiếm tỷ trọng trên 70% tổng phát thải quốc gia vào năm 2030 và đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho giai đoạn 2021-2030.

Năm 2020, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành khác có liên quan cập nhật Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam và gửi Ban thư ký Công ước khí hậu vào tháng 9 năm 2020. Theo đó, Việt Nam cam kết giảm 9% tổng phát thải khí nhà kính do quốc gia tự thực hiện và có thể nâng mục tiêu cam kết lên tới 27% nếu nhận được sự hỗ trợ có hiệu quả của cộng đồng quốc tế thông các hợp tác song phương và đa phương đối với Việt Nam.

Thông qua các hoạt động trao đổi, hợp tác về Chuyển dịch năng lượng do Vương quốc Anh khởi xướng, Bộ trưởng mong muốn nhận được hỗ trợ có hiệu quả về hợp tác chuyển giao công nghệ phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo và hạ tầng năng lượng, các nguồn tài chính để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đầu tư phát triển công nghệ phát triển năng lượng sạch giúp Việt Nam từng bước thực hiện lộ trình giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch và thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

 Ngài Alok Sharma, Chủ tịch Hội nghị Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26)

Tại cuộc họp, Ngài Alok Sharma cũng đã nêu các vấn đề cần tháo gỡ nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Theo đó, Ngài Chủ tịch cho rằng vấn đề lưới điện là khó khăn lớn nhất đối với quá trình chuyển dịch dần khỏi than sang năng lượng tái tạo của Việt Nam. “Vương quốc Anh và các đối tác phát triển khác sẵn sàng cung cấp những chuyên gia phù hợp giúp Việt Nam. Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á cũng muốn cho vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ Việt Nam nâng cấp lưới điện”, Ngài Chủ tịch khẳng định.

Về việc phê duyệt dự án, Ngài Chủ tịch cũng đề xuất các nhà đầu tư dự án cần làm rõ về thủ tục phê duyệt dự án cũng như các tiêu chí cấp phép.

Đối với giá điện, các nhà đầu tư cần biết thời hạn của Biểu giá điện ưu đãi (FIT). Vì vậy, cần có sự tham gia tư vấn của các đối tác quốc tế trong việc thực thi Thỏa thuận mua bán điện để mang lại sự đảm bảo cao hơn cho các nhà đầu tư. “Điều này cũng sẽ giúp thu hút nguồn lực tài chính quốc tế cho các dự án lớn” Ngài Chủ tịch chia sẻ.

An ninh năng lượng chính là an ninh quốc gia

Đánh giá cao những chia sẻ thiện chí của Ngài Chủ tịch trong việc sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, chuyển dịch năng lượng là một vấn đề lớn, cần có một lộ trình dài hạn phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia.

Đối với Việt Nam, nhiều giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, cơ chế chính sách đã được ban hành và triển khai nhằm hỗ trợ cho quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng dần tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu của ngành năng lượng của Việt Nam. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thức rất rõ áp lực từ sự phát triển nhanh năng lượng tái tạo sẽ dẫn tới một số khó khăn cần tháo gỡ trong quá trình thúc đẩy chuyển dịch năng lượng như: việc nâng cấp lưới điện, nguồn vốn thúc đẩy nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; năng lực thực thi và giải quyết các vấn đề cả về kỹ thuật trong vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng”, Bộ trưởng chia sẻ và nhấn mạnh: phát triển năng lượng không chỉ liên quan đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia bởi an ninh năng lượng chính là an ninh quốc gia.

Về phát triển lưới điện, Việt Nam đã định hướng trong Quy hoạch điện VIII những nội dung cụ thể như: phát triển lưới điện thông minh hỗ trợ tích hợp được số lượng lớn các nguồn năng lượng phân tán và lưới điện thông minh có khả năng truyền tải năng lượng 2 chiều; Nâng cao khả năng điều chỉnh tần số, điều chỉnh điện áp, giữ ổn định hệ thống điện; Nâng cao khả năng dự báo các nguồn năng lượng tái tạo và nghiên cứu phát triển các nguồn tích trữ năng lượng.

Hiện nay, Chính phủ chủ trương hạn chế cấp bảo lãnh cho các dự án hạ tầng năng lượng, trong khi các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và các tổ chức tín dụng quốc tế khác cũng hạn chế cho vay đối với các dự án nhiệt than vì những quan ngại về môi trường. Bên cạnh đó, việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài cần phải đáp ứng các yêu cầu của họ như vấn đề công nghệ, hợp đồng phải đảm bảo thu hồi vốn đầu tư… Do đó, việc vay vốn cho các dự án nhiệt điện, nhất là dự án nhiệt điện than thường gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết các khó khăn này, trong những năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đã ban hành các Quyết định, Thông tư hướng dẫn thực hiện cơ chế khuyến khích về giá cho các loại hình năng lượng tái tạo.

Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn định hướng phát triển ngành năng lượng một cách bền vững, vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa đáp ứng các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và hướng tới tăng trưởng xanh. Việt Nam xác định đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, đòi hỏi sự nỗ lực của quốc gia và sự hợp tác, hỗ trợ có hiệu quả của cộng đồng quốc tế.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương