Thứ bảy, 21/12/2024 | 20:03 GMT+7
Từ nay đến năm 2023, 10 tổ chức về phát triển bền vững tại 4 quốc gia Nepal, Uganda, Việt Nam, Đức sẽ thiết lập mạng lưới “Đối tác đa bên hướng tới 100% năng lượng tái tạo (NLTT) góp phần thực hiện NDC”, nhằm mục tiêu thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại chính sách để xây dựng quá trình chuyển dịch dài hạn sang 100% NLTT ở các quốc gia.
Tại Việt Nam, đối tác thực hiện Dự án bao gồm: Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF Việt Nam), Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD).
Việt Nam được đánh giá có nhiều khả năng thực hiện tiến trình này bởi hiện nay, mức phát thải khí nhà kính của Việt Nam tăng nhanh nhất trong Tiểu vùng Mê Công mở rộng và có xu thế tiếp tục phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch.
Dự báo, tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng trung bình gần 5% mỗi năm cho tới 2035, trong đó, nhu cầu điện sẽ tăng 8% mỗi năm và kéo theo tổng sản xuất điện của Việt Nam, sẽ tăng gấp đôi so với năm 2015. Mặt khác, NLTT có đầy đủ tiềm năng để đáp ứng nhu cầu năng lượng của Việt Nam đồng thời đạt được mục tiêu giảm ô nhiễm không khí, ổn định khả năng tiếp cận năng lượng và tạo ra việc làm xanh.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, hiện nay, nguồn điện từ NLTT gồm thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời đã chiếm gần 30% tổng công suất lắp đặt của Việt Nam và khoảng 10% tổng lượng điện thương phẩm. Riêng với điện mặt trời mái nhà, hiện nay đang tiến rất nhanh, tiệm cận những nước đi đầu về lắp đặt điện mặt trời mái nhà như CHLB Đức, Úc.
Bên cạnh đó, EVN đã ký hợp đồng mua bán khoảng 5.000 MW điện gió. Dự kiến, từ nay đến hết tháng 10/2021, khoảng 3.000 MW sẽ được hòa lưới điện quốc gia. Hiện, EVN cũng đang hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ kỹ thuật nhằm giải tỏa công suất một cách ổn định và an toàn.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, việc phát triển NLTT ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: thiếu khung chính sách dài hạn, đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi phát triển NLTT và thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quy định đầu tư phức tạp và không chắc chắn; mâu thuẫn lợi ích do sự thiếu minh bạch trong các quy định quản trị; cơ sở hạ tầng hạn chế để kết nối NLTT với lưới điện quốc gia; nhận thức của cộng đồng về lợi ích của NLTT còn hạn chế và quan niệm tiêu cực về NLTT.
Việc xây dựng lộ trình 100% NLTT có thể mang lại một tầm nhìn dài hạn cho quá trình chuyển đổi năng lượng từ “nâu” sang “xanh”, góp phần thiết lập các định hướng chính sách cấp thiết giúp Việt Nam thực hiện thành công Thỏa thuận Paris. Đó là mục tiêu Mạng lưới Đối tác đa bên (MAP) hướng đến và hoạt động theo cơ chế khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà khoa học, đối tác phát triển cùng tham gia quá trình này.
Các bên liên quan sẽ cùng nhau xây dựng một tầm nhìn chung về vai trò của 100% NLTT thông qua xác định các ngành/lĩnh vực liên quan chính như năng lượng, giao thông, công nghiệp… Dữ liệu và các thông tin liên quan được sử dụng trong quá trình mô phỏng để xây dựng các kịch bản 100% NLTT, xác định rõ các hướng chuyển dịch phù hợp và chứng minh 100% NLTT là hoàn toàn khả thi. Kết quả của mô hình sẽ là cơ sở khoa học cho hoạt động đối thoại chính sách, để từ đó xây dựng lộ trình chính sách, bao gồm các cơ hội và thách thức để nhân rộng NLTT. Đây cũng sẽ là cơ sở khoa học để xây dựng các chính sách NLTT và điều chỉnh chiến lược NLTT hiện tại nhằm nâng cao tham vọng và các cam kết dài hạn về NLTT.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: "Nhu cầu năng lượng đã gia tăng đáng kể trong giai đoạn 2010 - 2019. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng tăng trưởng 4,3%/năm, đạt mức 61.853 KTOE vào năm 2019. Trong thời gian tới, nhu cầu năng lượng của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh nhằm đáp ứng sự tăng trưởng cao của nền kinh tế và nhu cầu sinh hoạt ngày càng lớn của người dân."
Trong số 194 bên tham gia Thỏa thuận Paris, khoảng 145 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã đề cập đến NLTT trong Báo cáo đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) như một cách để giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Các tổ chức trong mạng lưới MAP cũng sẽ chủ động liên kết với các mục tiêu của NDC tại Việt Nam thông qua việc thúc đẩy NLTT, bằng cách nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội và thúc đẩy đối thoại chính sách giữa các bên liên quan. Kết quả của Dự án sẽ được chia sẻ với các nước tham gia và tại các diễn đàn quốc tế như những ví dụ thực hành tốt nhất.
Việc tổ chức đối thoại đồng cấp nhằm tăng cường hội nhập khu vực cũng sẽ giới thiệu kết quả của Dự án, làm rõ về các lợi ích kinh tế - xã hội của NLTT và tạo cơ hội chia sẻ kiến thức giữa các bên liên quan của các quốc gia trong khu vực, hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách bắt tay vào các dự án 100% NLTT tương tự trong tương lai.
Theo Báo Tài Nguyên & Môi Trường