Thứ bảy, 21/12/2024 | 20:08 GMT+7
Để công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NLTK&HQ) đi vào thực chất, cùng với việc tham mưu cho Chính phủ xây dựng và ban hành các văn bản, chính sách pháp luật, Bộ Công Thương đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng (TKNL), mang lại kết quả khả quan. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ TKNL và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - về vấn đề này.
Xin ông cho biết, Chương trình quốc gia về sử dụng NLTK&HQ giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP 3) đã và đang được triển khai như thế nào?
Chương trình VNEEP 3 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019. Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh tổ chức triển khai thực hiện chương trình. Với sự hướng dẫn từ Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện tại, hơn 90% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch hành động, trong đó xác định rõ mục tiêu TKNL của địa phương theo từng giai đoạn, kèm theo nguồn lực thực hiện kế hoạch hành động này.
Bên cạnh đó, chương trình cũng đã nhận được sự cam kết hỗ trợ cụ thể từ Liên minh châu Âu với nguồn viện trợ không hoàn lại khoảng 1.000 tỷ đồng, Ngân hàng Thế giới (WB) với Dự án TKNL cho ngành công nghiệp Việt Nam... Bộ Công Thương đã chủ động triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương, song phương nhằm tìm kiếm nguồn lực tài chính, kỹ thuật công nghệ, nhân lực; tạo sức bật để hoạt động của chương trình lan tỏa đến mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; tiến tới huy động nguồn lực từ xã hội để các hoạt động của chương trình được triển khai sâu rộng và đạt được những mục tiêu đề ra.
Sau 3 năm triển khai, Dự án TKNL cho ngành công nghiệp Việt Nam đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?
Dự án là kết quả hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và WB nhằm đẩy mạnh cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng cuối cùng trong khu vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam. Bộ Công Thương được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan cùng các tổ chức tài chính gồm: Ngân hàng Cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam và doanh nghiệp công nghiệp; dự án được triển khai từ năm 2018.
Sau gần 3 năm triển khai, Ban quản lý Dự án (Bộ Công Thương) đã phối hợp cùng các tổ chức tài chính xây dựng danh mục dự kiến tài trợ với khoảng 30 tiểu dự án tiềm năng thuộc những ngành công nghiệp: Sản xuất mía đường, xi măng, vật liệu xây dựng, sản xuất thép, phân bón, giấy, dệt may và tích hợp điện mặt trời áp mái vào hệ thống năng lượng nội bộ của cơ sở sản xuất, kinh doanh. Từ danh mục này, đến thời điểm hiện tại, đã có 5 tiểu dự án thuộc lĩnh vực sản xuất mía đường (3 tiểu dự án gồm Nhà máy đường Thành Thành Công Tây Ninh, Nhà máy đường Trà Vinh, Nhà máy đường Tuy Hòa) và sản xuất xi măng (2 tiểu dự án gồm: Nhà máy Xi măng Vissai Ninh Bình; Nhà máy Vissai Hà Nam) đã được thực hiện với tổng mức đầu tư gần 60 triệu USD. Trong đó, dự án tài trợ 24,3 triệu USD, số còn lại là tài chính của ngân hàng và vốn tự có của chủ đầu tư.
Với 5 tiểu dự án đã triển khai, hàng năm tiết kiệm được khoảng 234 triệu kWh điện, giảm phát thải ra môi trường khoảng 204,8 ngàn tấn CO2. Đây là những con số rất ý nghĩa không chỉ đối với ngành điện, môi trường mà còn trực tiếp giúp doanh nghiệp cải thiện đáng kể năng lực cạnh tranh thông qua giảm giá thành sản phẩm, thể hiện vai trò tích cực của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ nguồn vốn IDA, Bộ Công Thương đã tập hợp được đội ngũ chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước hỗ trợ các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại xác định dự án TKNL khả thi; xây dựng hoạt động thúc đẩy, triển khai giới thiệu dự án tới từng chủ đầu tư tiềm năng.
Bộ Công Thương, Ngân hàng Thế giới cùng các chuyên gia đi khảo sát Dự án đầu tư bổ sung và cải tạo Trung tâm Nhiệt điện của CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh
Quá trình triển khai Dự án TKNL cho ngành công nghiệp Việt Nam gặp những khó khăn gì và hướng đi trong thời gian tới ra sao, thưa ông?
Trước tiên, phải khẳng định rằng, đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, một trong những hoạt động trong khuôn khổ có tính nhất quán, liên tục về chính sách sử dụng NLTK&HQ nói riêng, chính sách an ninh năng lượng nói chung của Việt Nam. Dự án được xây dựng dựa trên tiềm năng về TKNL của các doanh nghiệp công nghiệp, ý chí quản lý nhà nước nhằm cải thiện việc sử dụng NLTK&HQ tại những khu vực thuộc ngành công nghiệp có mức thâm dụng năng lượng cao, hiệu quả sử dụng năng lượng thấp nhưng lại vận hành theo cơ chế thị trường. Điều này chính là gốc rễ của những vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai dự án gần 3 năm qua.
Mặc dù tiềm năng TKNL tại doanh nghiệp được đánh giá lớn, tuy nhiên, việc đầu tư cải thiện sử dụng năng lượng theo hướng hiệu quả không phải là ưu tiên đối với nhiều doanh nghiệp, bởi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, WB có các quy định bắt buộc đối với dự án sử dụng vốn vay WB cung cấp, điển hình như đánh giá tác động môi trường - xã hội đối với các tiểu dự án hiện là một rào cản về thủ tục. Đặc điểm của các tiểu dự án thuộc dự án là dự án cải tạo, nâng cấp, cải tiến, bổ sung trang thiết bị nhằm hiệu quả hóa việc sử dụng năng lượng tại đơn vị. Tuy nhiên, khi các chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn IBRD của dự án, bắt buộc phải thực hiện đánh giá tác động môi trường - xã hội, cho dù đây chỉ là thủ tục. Hơn nữa, chúng ta phải sử dụng nguồn vay IDA để thuê tư vấn độc lập thực hiện hoạt động này. Đây là vấn đề khiến chủ đầu tư e dè khi tiếp cận nguồn vốn từ dự án…
Trong thời gian tới, đối với Dự án TKNL cho ngành công nghiệp Việt Nam, Vụ sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bên liên quan đẩy nhanh giải ngân khoản vay phục vụ đầu tư, thúc đẩy TKNL tại doanh nghiệp. Đối với Chương trình VNEEP 3, Vụ đã trình Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia ban hành Khung kế hoạch thực hiện giai đoạn 2019 - 2025 và Quy chế quản lý các nhiệm vụ thuộc chương trình. Vụ tiếp tục tham mưu trình lãnh đạo Bộ Công Thương, báo cáo Ban Chỉ đạo chương trình tập trung rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng NLTK&HQ. Huy động các nguồn hỗ trợ từ quốc tế cũng là hướng ưu tiên triển khai trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!
Theo: Báo Công Thương