Chủ nhật, 08/12/2024 | 19:05 GMT+7
Mới đây, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức lần 2 Hội thảo tham vấn các bên liên quan đối với Dự thảo sửa đổi Nghị định 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 (Nghị định 21) của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Hợp tác kỹ thuật giữa Bộ Công Thương, Liên minh châu Âu và GIZ thông qua Dự án năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, trong đó, GIZ hỗ trợ Bộ Công Thương tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định 21.
Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự Hội thảo tham vấn
Sự cần thiết phải sửa đổi Nghị định 21
Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Hiệp – Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) cho biết, Dự thảo sửa đổi Nghị định 21 trình bày tại Hội thảo này đã tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự Hội thảo lần thứ nhất diễn ra hồi tháng 11/2019 tại Hà Nội và đại diện một số cơ quan liên quan.
Các khuyến nghị sửa đổi Nghị định 21 với mục đích nâng cao tính thực thi của Luật Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: yêu cầu các biện pháp quản lý và chế tài cụ thể hơn, tăng cường phân cấp trong hoạt động quản lý Nhà nước, quy định chi tiết và bổ sung biện pháp công nghệ áp dụng tại cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bổ sung các cơ chế chính sách, khuyến khích đối với các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng (TKNL), tạo hành lang pháp lý cho mô hình Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO)... Không có ý kiến yêu cầu mở rộng phạm vi áp dụng các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo đó, hầu hết các đối tượng được lựa chọn khảo sát và phỏng vấn đều cho rằng cần có sự điều chỉnh, sửa đổi hoặc bổ sung Nghị đinh 21 cho phù hợp với tình hình hiện nay, nhằm khắc phục các hạn chế của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sau 10 năm đi vào cuộc sống. Đồng thời phù hợp với tiến độ triển khai Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP 3) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trên cơ sở đó, VECEA đề xuất sửa đổi 22/36 điều khoản và bổ sung 01 nội dung mới cho Nghị định 21. Trong đó, đáng lưu ý là sửa đổi Điều 6: Mở rộng Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, áp dụng mức tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm ≥ 700 TOE đối với lĩnh vực công nghiệp; Mở rộng đối tượng (Tòa nhà) áp dụng và thực hiện theo QCVN 09/BXD, theo mức: Loại A: ≥ 500 TOE, Loại B: 300-500 TOE tương ứng.
Điều 10 sửa đổi thời điểm nộp báo cáo hàng năm của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phù hợp với năm kế hoạch để tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý của địa phương (quy định thời gian nộp các báo cáo hàng năm vào cuối quý I).
Điều 9, quy định thời hạn có hiệu lực của Chứng chỉ kiểm toán năng lượng và Chứng chỉ quản lý năng lượng giới hạn ở mức 5 năm.
Điều 24, bổ sung các biện pháp công nghệ bao gồm khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo: điện mặt trời, công nghệ đồng phát, sinh khối...
Đặc biệt, VECEA đề xuất bổ sung một điều khoản mới liên quan tới các ESCO vào Nghị định 21, gồm: Đưa mô hình ESCO vào quản lý như là một loại hình kinh doanh với các chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định như: tư vấn và đầu tư thực hiện giải pháp TKNL, thu xếp vốn đầu, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro đầu tư, cơ chế huy động vốn… Đồng thời, nghiên cứu và ban hành hợp đồng mẫu quy định thanh toán giữa các bên thực hiện dự án ESCO…
Thống nhất cao giữa các cơ quan quản lý nhà nước
Ngay từ lần Hội thảo thứ nhất, các ý kiến đề xuất của VECEA đã nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, với lần Hội thảo thứ hai này, hầu hết các ý kiến đều nhất trí cao với đề xuất sửa đổi của VECEA. Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho rằng, Bộ Công Thương cần sớm đưa Nghị định 21 vào kế hoạch sửa đổi/bổ sung trong năm 2021.
Ông Thịnh cũng đề nghị cần nghiên cứu, hướng dẫn chi tiết hơn đối với lĩnh vực xây dựng (Tòa nhà), quy định cụ thể việc phối hợp kiểm tra Nhà nước lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động dán nhãn TKNL đối với Vật liệu xây dựng và Tòa nhà xanh. Phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải dán nhãn năng lượng theo Nghị định 21 phải bao gồm cả vật liệu xây dựng và tòa nhà. Việc hạ mức sử dụng năng lượng nhỏ hơn 1000 TOE đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cần phải tính toán chi tiết trên cơ sở quản lý hiệu quả.
Về phía Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường đưa ra đề nghị, nội dung sửa đổi Nghị định 21 cần có quy định cụ thể, phù hợp đối với việc quản lý các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm đặc thù trong lĩnh vực giao thông vận tải. Cần quy định các nội dung có tính nguyên tắc về kiểm toán năng lượng đối với từng lĩnh vực giao thông, đặc biệt là lĩnh vực hàng không và đường thủy (đường biển).
Bên cạnh đó, cần quy định rõ, chi tiết về trách nhiệm thẩm tra công nghệ của các Bộ Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng trong nội dung sửa đổi Nghị định 21.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, ông Vũ Anh Tuấn thì cho rằng, lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy/hải sản có tiềm năng TKNL rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động TKNL của Bộ chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, chủ yếu khuyến khích và triển khai dưới dạng các dự án khoa học công nghệ hoặc tài trợ của các tổ chức quốc tế. Do đó, chưa có số liệu thống kê về sử dụng năng lượng, thiếu thông tin, gặp nhiều khó khăn trong quản lý.
Từ đó, ông Tuấn mong muốn rằng, Nghị định 21 sửa đổi cần bổ sung các quy định chi tiết và ràng buộc trách nhiệm của các cấp quản lý liên quan đến hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Markus Bissel - Trưởng Hợp phần Hiệu quả năng lượng, Dự án 4E – GIZ đặc biệt quan tâm tới việc đảm bảo chất lượng Báo cáo Kiểm toán năng lượng đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm
Về phía các chuyên gia quốc tế lại quan tâm tới chất lượng Báo cáo Kiểm toán năng lượng. Ông Markus Bissel - Trưởng Hợp phần Hiệu quả năng lượng, Dự án 4E – GIZ lại cho rằng, đảm bảo chất lượng Báo cáo Kiểm toán năng lượng đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là yêu cầu quan trọng liên quan đến tính thực thi của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Vì vậy, nên có một tổ chức đủ năng lực thực hiện chức năng thẩm tra, đánh giá các Báo cáo có tính chất chuyên môn. Theo kinh nghiệm của các quốc gia, khác với Việt Nam, họ có một tổ chức cấp vùng đảm nhận chức năng này.
Trong giai đoạn đầu, tổ chức thực hiện thẩm tra, đánh giá các Báo cáo Kiểm toán năng lượng có thể được hỗ trợ kính phí từ ngân sách Nhà nước (VNEEP3) để hoạt động, về lâu dài có thể tự trang trải kinh phí.
Băn khoăn từ các Sở Công Thương
Tại Hội thảo tham vấn lần 2 này, đại diện các Sở Công Thương vẫn còn một số băn khoăn, mong muốn qua việc sửa đổi Nghị định 21 có thể hạn chế phần nào. Đó là hiện trạng thị trường kiểm toán năng lượng có hiện tượng không lành mạnh, báo cáo kiểm toán năng lượng không có chất lượng, đối phó với cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, đề nghị phải xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra hoạt động kiểm toán năng lượng.
Bên cạnh đó, đại diện các sở cũng thừa nhận, vai trò điều phối, thanh tra hoạt động hiệu quả năng lượng tại địa phương của Sở Công Thương còn hạn chế, thiếu nguồn lực, thiếu sự phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương.
Măt khác, cũng cần nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý năng lượng phù hợp đối với các doanh nghiệp ngoài danh mục cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; các cơ quan công sở sử dụng ngân sách nhà nước cần đề xuất biện pháp quản lý phù hợp hơn, bởi các biện pháp quản lý như hiện nay là không khả thi.
Các Sở Công Thương cũng mong muốn, Bộ Công Thương/Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững thu xếp kinh phí từ Chương trình VNEEP3 để tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng cán bộ quản lý Nhà nước các cấp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Doanh nghiệp đã sẵn sàng
Tại Hội thảo, đại diện doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn, dịch vụ TKNL đều nhất trí với đề xuất quy định kinh doanh có điều kiện đối với tổ chức hành nghề kiểm toán năng lượng nhằm chấn chỉnh và nâng cao chất lượng kiểm toán năng lượng. Cần có đơn vị chuyên kiểm tra báo cáo kiểm toán năng lượng. Đơn vị này định kỳ (6 tháng/1 năm) đọc báo cáo của từng Tổ chức kiểm toán năng lượng chính, lựa chọn ngẫu nhiên 01 báo cáo của đơn vị kiểm toán năng lượng đó đọc và đánh giá. Nếu thấy chưa đạt yêu cầu thì yêu cầu Tổ chức đó chấn chỉnh.
Trong lần kiểm tra tiếp theo, tiến hành đọc nhiều Báo cáo của đơn vị này hơn (chọn ngẫu nhiên 03 báo cáo). Nếu đơn vị đó vẫn không đạt yêu cầu thì tạm dừng chức năng của đơn vị đó (báo với Sở Công thương là Báo cáo của đơn vị đó không đạt chuẩn), tất cả Kiểm toán viên của đơn vị đó cần học và đánh giá lại để lấy bằng Kiểm toán viên mới có thể tiếp tục hoạt động kiểm toán năng lượng.
Đối với mô hình ESCO, phía Tổng công ty Điện lực miền Nam đề xuất bổ sung các quy định pháp lý để thúc đẩy hoạt động ESCO tại Việt Nam, bao gồm cả việc hình thành ESCO tại các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Viêt Nam. Mặt khác, phân cấp cho Sở Công Thương các địa phương xây dựng mô hình quản lý hoạt động kiểm toán năng lượng phù hợp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam cũng cho rằng, việc xây dựng cơ chế khuyến khích hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện còn bỏ ngỏ, mặc dù đây là lĩnh vực có tiềm năng TKNL rất lớn.
Kết luận Hội thảo tham vấn lần 2, ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự và cam kết sẽ phối hợp với VECEA và các cơ quan liên quan hoàn thiện nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 21 và đưa vào kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công Thương trong năm 2021.
VECEA - Đơn vị tư vấn sửa đổi Nghị định 21 đề xuất sửa đổi 22/36 điều khoản và bổ sung 01 nội dung mới cho Nghị định 21
Phía VECEA - Đơn vị tư vấn sửa đổi Nghị định 21 cũng lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý và sẽ phân tích, đánh giá toàn bộ các nội dung tham luận của các đại biểu tham dự Hội thảo, trong năm 2020 VECEA sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan bổ sung các nội dung cần thiết, khả thi vào nội dung dự thảo sửa đổi Nghị định 21 để trình các cấp có thẩm quyền theo quy định hiện hành./.
Theo Tạp chí Công Thương