Chủ nhật, 22/12/2024 | 18:46 GMT+7

Giải pháp phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời áp mái

29/07/2020

Cần có cơ chế rõ ràng trong việc đấu thầu các dự án điện năng lượng tái tạo (NLTT) nối lưới, cũng như đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư lưới điện truyền tải… là những giải pháp quan trọng được đề xuất tại hội thảo Phát triển bền vững nguồn NLTT nối lưới và điện mặt trời áp mái do Bộ Công Thương tổ chức ngày 9/7/2020 tại TP Hồ Chí Minh.

Cần có cơ chế rõ ràng trong việc đấu thầu các dự án điện năng lượng tái tạo (NLTT) nối lưới, cũng như đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư lưới điện truyền tải… là những giải pháp quan trọng được đề xuất tại hội thảo Phát triển bền vững nguồn NLTT nối lưới và điện mặt trời áp mái do Bộ Công Thương tổ chức ngày 9/7/2020 tại TP Hồ Chí Minh.

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế  - xã hội ngày một gia tăng, đây chính là thách thức rất lớn cho ngành điện trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn. Việc phân bố nguồn điện và phụ tải không đồng đều gây áp lực truyền tải lớn trên hệ thống đường dây 500 kV Bắc - Nam.

Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm 2020 khi cả nước không có nhiều nguồn đưa vào khai thác mới, thì việc phát triển các dự án NLTT nối lưới và điện mặt trời mái nhà được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo để phát điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, việc phát triển NLTT và điện mặt trời áp mái sẽ giúp tận dụng được nguồn đất hoang hoá không thể canh tác nông nghiệp cùng hàng chục triệu mái nhà của hộ dân, cơ quan, công sở, khu - cụm công nghiệp nhằm tăng sản lượng điện cung cấp, giúp giảm bớt áp lực cho hệ thống điện quốc gia...

Trên thực tế, với định hướng phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, phù hợp với những cam kết quốc tế, trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn NLTT như Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam; Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/9/2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam… Với cơ chế thông thoáng cùng sự vào cuộc quyết liệt của các bộ/ngành, doanh nghiệp, chỉ trong vài năm trở lại đây, sản lượng điện từ các nguồn NLTT đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp mỗi tháng trên 3 tỷ kWh, chiếm khoảng 10% công suất và 6% sản lượng thương phẩm cả nước.

Tuy nhiên việc phát triển NLTT, nhất là điện gió, điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà vẫn còn một số hạn chế nhất định và chưa tương xứng với tiềm năng to lớn, đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam. Cụ thể, hạ tầng lưới điện truyền tải đã không theo kịp tiến độ của các dự án NLTT, dẫn đến các dự án điện gió, điện mặt trời quy mô nối lưới ở một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận đã không giải toả hết 100% công suất ở một số thời điểm nhất định. Đối với điện mặt trời mái nhà, dù rất tiềm năng và dễ làm nhưng cũng chưa đạt được như kỳ vọng vì chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao, chưa có sự tham gia, hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính; thị trường sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời khá đa dạng nhưng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp mong muốn đầu tư.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển năng lượng, trong đó có NLTT đã hết sức rõ ràng. Chính phủ cũng đã đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp với thực tiễn phát triển cho từng giai đoạn và theo hướng công bằng, minh bạch, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhằm khai thác hết lợi thế, tiềm năng nguồn NLTT tại Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Kiều Hà - Vụ KH&CN, Bộ Công Thương

Bài đăng Tạp chí KH&CN Việt Nam