Thứ bảy, 02/11/2024 | 21:37 GMT+7

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế để phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo

16/07/2020

Để tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển năng lượng tái tạo và điện mặt trời áp mái nhà, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo, ban hành các văn bản nhằm phát triển năng lượng tái tạo bền vững và hiệu quả.

Hàng ngàn nhà đầu tư tham gia thị trường năng lượng tái tạo

Tại Hội thảo phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời mái nhà ngày 9/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng - cho biết: Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) như Quyết định 11/2017/QĐ-TTg; Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời; Quyết định số 37/39 về cơ chế phát triển điện gió. Qua đó đã thu hút được nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển nguồn điện NLTT. Không chỉ vậy, các cơ chế cũng đã tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối, lắp đặt, dịch vụ, đến tài chính, bảo hiểm…, góp phần hình thành thị trường điện NLTT tại Việt Nam.

Tuy nhiên việc phát triển NLTT, đặc biệt là năng lượng mặt trời mái áp mái nhà vẫn còn một số hạn chế nhất định và chưa tương xứng với tiềm năng to lớn, đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam.

Hội thảo phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời mái nhà

Cụ thể, ông Trương Công Vũ - Giám đốc Công ty CP năng lượng Toàn Cầu - cho biết: Với lĩnh vực điện mặt trời áp mái nhà (ĐMTAMN), những chính sách chung của Chính phủ dù vẫn đảm bảo, nhưng khi áp dụng xuống dưới thì còn nhiều bất cập. Thứ nhất là ở cấp liên quận, huyện. Chẳng hạn, mới đây UBND quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) ra một công văn liên quan đến quy hoạch và mỹ quan đô thị. Cụ thể muốn gắn ĐMTAMN phải xin giấy phép của ngành xây dựng. Thiết nghĩ giấy phép này là nên thực hiện trong hoạt động xây dựng nhưng với ĐMTAMN hộ gia đình là không cần thiết bởi sự lắp đặt trên mái nhà không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và độ an toàn về xây dựng.

Thứ 2, ở các tỉnh, vấn đề đăng ký đấu nối với điện lực cũng đang gặp trở ngại. Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp có đất đai và đăng ký đấu nối nhưng không thực hiện, trong khi đó nhiều nhà đầu tư có nhu cầu thì lại không có đất đai để làm. Bên cạnh đó là vấn đề cấp phép để thực hiện trang trại. Hiện tại, công văn để thực hiện trang trại đã hết hiệu lực và nghị định này được giao cho huyện, song cấp huyện lại không dám ký, khiến các dự án năng lượng mặt trời mặc dù đã được điện lực cấp phép đấu nối nhưng lại không thực hiện được.

Còn theo ông Nguyễn Huy Thành - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thanh Solar Energy, có nhiều chính sách được đưa ra, nhưng lại không có hướng dẫn cụ thể khiến các doanh nghiệp khi bắt tay vào làm sẽ gặp phải những vướng mắc về thủ tục, làm kéo dài quá trình thực hiện. “Chúng ta gọi là ĐMTAMN. Vậy còn trên mái khung thì sao, trên mái khung những tấm pin cũng có thể làm mái được. Vì vậy, các trang trại không cần phải gắn những tấm tôn lên mái, rồi mới gắn tấm pin lên mái tôn, mà các trang trại khi xây dựng khung xong có thể sử dụng tấm pin làm mái được”, ông Thành nêu ý kiến.

Ngoài những vướng mắc trên, nhiều doanh nghiệp ở hai tỉnh là Tây Ninh và Gia Lai phản ánh, hiện tại họ đang đầu tư tổng công suất lên gần 30 MW nên cần nguồn vốn khá lớn. Do đó phải có sự hỗ trợ từ ngân hàng.

Hoàn thiện chính sách tạo điều kiện cho nhà đầu tư

Để thúc đẩy phát triển NLTT, ông Nguyễn Huy Thành - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thanh Solar Energy đề xuất: Chính phủ cần gia hạn thời gian đưa ra chính sách dài hơn để nhà đầu tư có kế hoạch đầu tư bài bản. Ví dụ như Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ, có thể cho thời gian từ 6 tháng đến 1 năm nữa, hoặc phải đưa ra những định chế rõ ràng như quy định thế nào là mái, mái như thế nào đạt yêu cầu thì nhà đầu tư thực hiện.

Bên cạnh đó, theo ông Trương Công Vũ, cần phải có sự đồng bộ giữa tất cả các bên như về xây dựng, về kinh tế trang trại, thậm chí cả về chính sách vay vốn của ngân hàng. Bởi nếu không có sự đồng bộ, mỗi cơ quan đều đưa ra những chính sách riêng, dẫn đến thiếu đồng bộ và không thực hiện được.

Về phía Tập đoàn điện lực Việt Nam, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN kiến nghị: Chính phủ cần khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố lắp đặt ĐMTAMN; đồng thời có cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí ban đầu nhằm khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt ĐMTAM; Bộ Công Thương, Bộ KH&CN sớm ban hành tiêu chuẩn ĐMTAMN; Ngân hàng, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và trong nước tham gia sâu rộng vào thị trường ĐMTAMN tại Việt Nam…

Cùng với các ý kiến trên, TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng - bổ sung: Hiện nay ĐMTAMN đang là xu hướng của thế giới, tuy nhiên chúng ta cần gắn phát triển NLTT, cụ thể là ĐMTAMN vào các dự án bất động sản (BĐS) khu dân cư, BĐS công nghiệp và nông nghiệp. Lý do, giá trị đầu tư của BĐS khu dân cư trong năm 2021 dự kiến khoảng 483.000 tỷ đồng; với BĐS nghỉ dưỡng giá trị đầu tư vào khoảng 42.500 tỷ đồng trong 2 năm 2020 - 2021 và dự kiện độ lớn thị trường 10 năm tới khoảng 300.000 tỷ đồng; Hay với BĐS Khu công nghiệp - hiện đang tăng mạnh theo chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn cầu. Dự kiến 2020 sẽ triển khai 31.000 ha khu công nghiệp, tạo ra giá trị thuê khoảng 356 ngàn tỷ đồng… Nếu chúng ta gắn đầu tư ĐMTAMN vào các dự án này thì triển vọng đầu tư sẽ là rất lớn.

TS Đinh Thế Hiển đề xuất, TP. Hồ Chí Minh phải là địa phương đi đầu thông qua việc đưa quy chuẩn mã năng lượng, khi cấp phép đầu tư dự án khu dân cư mới phải có tiêu chuẩn năng lượng tái tạo. Tương tự, hiện nay các dự án mới ở các KCN phải áp chỉ tiêu NLTT, lộ trình về tỷ lệ sử dụng NLTT với KCN hiện hữu…

Kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao những ý kiến đầy đủ, sâu sắc của doanh nghiệp về thị trường NLTT hiện nay. Để NLTT phát triển bền vững Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết: Những đề xuất, kiến nghị được nêu tại hội thảo sẽ được Bộ Công Thương nghiên cứu và sớm đề xuất, tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách tháo gỡ các “điểm nghẽn” để phát triển ngành năng lượng sạch, NLTT vừa đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Các sản phẩm NLTT được trưng bày bên lề hội thảo

Theo Báo Công Thương