Thứ bảy, 21/12/2024 | 23:19 GMT+7
Sáng 8/7/2020 tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo quốc tế (lần thứ nhất) đề án “Quy hoạh phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - (Quy hoạch điện VIII).
Trong phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định: Việc xây dựng Quy hoạch điện VIII sẽ dựa trên ba điểm lớn:
Một là: Đảm an ninh năng lượng quốc gia trong bất cứ tình huống nào.
Hai là: Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT).
Ba là: Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành điện.
Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), đơn vị chủ trì xây dựng Quy hoạch điện VIII đã trình bày các bài báo cáo về:
1/ Phương pháp luận tổng quát sử dụng xây dựng Đề án.
2/ Đánh giá hiện trạng hệ thống điện và đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch điện VII (điều chỉnh giai đoạn 2016-2020).
3/ Dự báo phát triển kinh tế -xã hội và nhu cầu sử dụng điện.
4/ Các thông số đầu vào sử dụng để xây dựng chương trình phát triển nguồn điện và kết quả các tính toán…
Đơn vị chủ trì xây dựng Quy hoạch điện VIII đã chuẩn bị rất công phu, đã tính toán 11 Kịch bản chính với các thông số đầu vào cơ sở, đánh giá xếp hạng đã lựa chọn ra Kịch bản 1B_ CLNLTT là kịch bản cơ sở từ các Kịch bản chính.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia về năng lượng đã góp ý đối với Quy hoạch điện VIII: Nên xem xét năng lượng tái tạo và điện hạt nhân là “hai nguồn chiến lược”. Cũng qua bảng Tổng hợp đánh giá phân tích các kịch bản phát triển nguồn điện, trongnhóm kịch bản chính, chúng tôi có nhận xét như sau:
1/ Nhóm lập đề án đã đánh giá các kịch bản (KB) theo 5 nhóm tiêu chí mỗi nhóm tiêu chí được đánh giá 5 ★, tối đa đạt 25 ★/ KB.
2/ Nhóm KB 1B_CLNLTT đạt 21 ★; Nhóm KB 6B_ Nuclear đạt 21★ đều là những nhóm kịch bản đạt số ★ cao nhất.
3/ Nhóm KB 1B_CLNLTT lợi thế hơn nhóm KB 6B_ Nuclear (có phát triển Điện hạt nhân) về chi phí toàn hệ thống, nhưng lại kém hơn về tiêu chí "đa dạng hóa nguồn điện". Theo chúng tôi, vấn đề đa dạng hóa nguồn điện để đảm bảo an ninh năng lượng là vấn đề quan trọng hơn, cũng đã được Thứ trưởng nhắc tới trong phát biểu khai mạc.
4/ Mặt khác, trong phần tính toán khả năng khả năng xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đơn vị tư vấn lập đề án có đưa ra nhược điểm: "Hậu quả lớn khi xảy ra sự cố". Đúng, đó là trong tình trạng “sự cố cực đoan” nhất xảy ra. Tuy nhiên, với công nghệ hiện đại thế hệ 3+ bây giờ các lò phản ứng ĐHN đều được nâng cấp các hệ thống an toàn và thiết kế "bẫy vùng hoạt" để thu gom nhiên liệu nóng chảy, tình huống cực đoan nhất có thể đổ bê tông bọc và bỏ toàn bộ lò phản ứng.
Thực tế đã chứng minh, các sự cố về ĐHN gây nguy hiểm cho con người từ trước đến nay đều thấp hơn nhiều lần so với các sự cố nghiêm trọng của các lĩnh vực khác.
Để tính toán về chi phí kịch bản khả năng xây dựng nhà máy ĐHN, tư vấn lập đề án chỉ tính đời sống nhà máy tồn tại 50 năm, nhưng thực tế với công nghệ hiện đại như Việt Nam dự tính xây dựng tại Ninh Thuận thì đời sống lên tới 60 năm (lớn hơn 20% so với tính toán).
Nếu tính thêm 10 năm hoạt động với khoảng 8.000h/năm chắc chắn chi phí toàn hệ thống của kịch bản KB6B_ Nuclear sẽ giảm đi và kịch bản KB_Nuclear sẽ góp phần tăng hiệu quả của các thủy điện tích năng có trong quy hoạch.
Qua các nhận xét nêu trên, căn cứ vào sự phát triển của ĐHN trên thế giới, các chuyên gia ngành hạt nhân nói riêng và ngành năng lượng nói chung kiến nghị: Bộ Công Thương, Viện Năng lượng tính toán xem xét đưa kịch bản KB6B_Nuclear làm kịch bản cơ sở tính toán trong Quy hoạch VIII. Để đảm bảo được an ninh năng lượng sẽ phải chấp nhận chi phí toàn hệ thống có thể cao hơn.
Mặt khác, xây dựng Quy hoạch VIII theo KB6B_Nuclear sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh tiềm lực khoa học kỹ thuật, phát triển cơ sở hạ tầng không chỉ trong ngành năng lượng nguyên tử, mà còn thúc đẩy các ngành khác (kể cả trong lĩnh vực an ninh quốc phòng), sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo về năng lượng hạt nhân đúng theo Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020.
Tạp chí Năng lượng Việt Nam