Thứ bảy, 21/12/2024 | 21:21 GMT+7
Sáng 8/7 tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Viện Năng lượng tổ chức hội thảo về quy hoạh phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Đảm bảo đủ điện trong mọi tình huống
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định việc xây dựng Quy hoạch điện VIII sẽ dựa trên ba điểm lớn: đảm an ninh năng lượng quốc gia trong bất cứ tình huống nào; ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT); và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành điện.
Cụ thể, Thứ trưởng nhấn mạnh “Quan điểm tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: sẽ phát triển mạnh mẽ và có hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) mà Việt Nam rất có tiềm năng. Đồng thời, hạn chế phát triển các nhà máy nhiệt điện than vốn được đưa rất nhiều vào quy hoạch điện VII. Như vậy rõ ràng sẽ phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa các dự án NLTT cũng như các dạng năng lượng truyền thống khác, có ít ảnh hưởng, tác động tới môi trường”.
Ngoài ra, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng lưu ý thay vì xây dựng các quy định cứng, đóng khung như trước thì Quy hoạch mới cần có cơ cấu nguồn điện linh hoạt, theo hướng phát huy tối đa tiềm năng gắn với khả năng huy động nguồn lực.
Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các chuyên gia năng lượng trong và ngoài nước thông qua hội thảo hãy đóng góp tích cực, cụ thể cho Bộ Công Thương để xây dựng Quy hoạch điện VIII phù hợp với nhu cầu và tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Viện trưởng Viện Năng lượng Trần Kỳ Phúc, đơn vị chủ trì xây dựng Quy hoạch điện VIII, trong thời gian qua tăng trưởng điện ở mức hai con số và sẽ tiếp tục cao trong thời gian tới, với dự kiến khoảng 8% giai đoạn 2020-2030. Có thể giảm nhiệt với khoảng 4% giai đoạn 2030-2050.
Cũng theo đại diện Viện Năng lượng, việc xây dựng Quy hoạch điện VIII đang gặp phải ba thách thức chính. Đầu tiên, Quy hoạch điện lần này được lập theo quy định của Luật Quy hoạch mới (2019), thuộc nhóm quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng quốc gia và một số quy định khác so với trước. Danh mục chỉ gồm những dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành điện lực và thứ tự ưu tiên thực hiện nên nhà quy hoạch cần chủ động xây dựng tiêu chí, luận chứng, quy mô và thứ tự ưu tiên các dự án này.
Tiếp theo, Quy hoạch điện VIII được lập trong điều kiện một số Chiến lược và quy hoạch nền tảng chưa được lập hoặc chưa được phê duyệt. Riêng quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 cũng được triển khai song song với Quy hoạch điện lần này.
Cuối cùng, trong bối cảnh hiện nay ngành điện đang chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố bất thường, như dịch Covid-19, thời tiết cực đoan, sự cố bất thường trên hệ thống phụ tải… tác động không nhỏ tới điều kiện cung ứng và nhu cầu sử dụng điện trên cả nước.
Viện trưởng Viện Năng lượng cũng nhấn mạnh sự bùng nổ đầu tư NLTT trong thời gian qua cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong việc thiết kế, đòi hỏi cách tiếp cập phù hợp hơn với việc xây dựng Quy hoạch để đảm bảo tính khách quan, khoa học và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng trong thời gian tới.
Nhiều tiềm năng cho NLTT
Theo các chuyên gia của Viện Năng lượng, chắn chắn nhu cầu sử dụng điện trong thời gian tới sẽ rất cao. Do đó, bên cạnh các nguồn năng lượng sơ cấp, như than và khí tự nhiên (LNG), cần đẩy mạnh phát triển NLTT.
Đánh giá về tiềm năng phát triển NLTT nước ta, chuyên gia Lê Thị Thu Hà (Viện Năng lượng) nhận định khả quan. Cụ thể, tiềm năng điện gió trên bờ (onshore) vào khoảng 217GW, tập trung chủ yếu ở vùng Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam bộ. Tiềm năng điện gió biển (offshore) vào khoảng 160GW, rải rác ở các tỉnh ven biển Bắc – Trung – Nam. Trong đó tập trung chủ yếu ở vùng Bình Thuận – Ninh Thuận (khoảng 42GW) và Trà Vinh (20GW).
Thêm vào đó, tiềm năng điện mặt trời (ĐMT) cũng được đánh giá khả quan, với ĐMT mặt đấtđược đánh giá lớn nhất (xấp xỉ 310GW), tiếp đó là ĐMT mặt nước (77GW) và ĐMT áp mái (48GW). Khu vực tập trung nguồn năng lượng này là Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Nam bộ. Tuy nhiên, khác so với khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ đã có nhiều dự án đăng ký đầu tư, Tây Nguyên là địa phương vẫn đang “bỏ ngỏ” nguồn năng lượng khổng lồ này.
Bên cạnh nguồn năng lượng gió và mặt trời, thủy điện vẫn được coi là lĩnh vực có thể tiếp tục khai thác với tiềm năng khai thác khoảng 4,3 tỷ GW từ nay tới 2025. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định cần giảm bớt lệ thuộc vào nguồn năng lượng này do những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu.
Xét trên bức tranh tổng thể, các chuyên gia đề xuất một kịch bản phát triển đa dạng hóa các nguồn năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó, đẩy mạnh NLTT, đặc biệt ở khu vực miền Trung và Nam bộ. LNG và nhiệt điện than sẽ duy trì ở mức hợp lý, nhưng cần được đổi mới công nghệ để đạt hiệu suất cao, giảm phát thải. Ngoài ra, ngành điện cũng cần xem xét nhập khẩu và liên kết lưới điện với các nước láng giềng nhằm đáp ứng linh hoạt nhu cầu năng lượng trong nước.
Quy hoạch Điện VIII được thiết kế gồm 18 Chương, phân bố theo 3 phần. Các nội dung chính tập trung vào dự báo nhu cầu điện; nguồn năng lượng sơ cấp trong đó có NLTT cho phát điện; Chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện; Cơ chế bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Cơ chế và giải pháp thực hiện Quy hoạch… Quy hoạch Điện VIII đã hoàn thành 9 Chương đầu. Sau Hội thảo này, dự kiến Hội thảo lần 2 về QHĐ 8 sẽ được thực hiện vào tháng 9/2020. |
Hương Giang ghi