Thứ bảy, 21/12/2024 | 20:17 GMT+7

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau COVID-19 qua chính sách giảm giá điện

18/05/2020

Hơn 1 tháng qua nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, dịch vụ, bán lẻ ở phía Nam rất phấn khởi vì được ngành điện trực tiếp giảm giá tiền điện 10% trong 3 tháng. Sự hỗ trợ này góp phần vực dậy hoạt động kinh doanh của DN đồng thời tạo khí thế để họ giảm giá bán cho sản phẩm, hỗ trợ lại cho người tiêu dùng.

Giảm chi phí điện giúp DN vượt qua khủng hoảng

Công ty TNHH Nút áo Tôn Văn (Bình Dương) là DN chuyên sản xuất nút áo bằng vỏ sò, ốc, ngọc trai lớn tại địa phương. Sản phẩm của DN hầu hết được xuất khẩu. Tuy nhiên trong giai đoạn kinh tế thế giới đóng băng, sản xuất của DN cũng vì thế bị ảnh hưởng nặng. Ông Tôn Thạnh Nghĩa, Tổng giám đốc DN cho biết từ đầu năm nay hoạt động sản xuất chỉ đạt 20% so với bình thường. Theo ông Nghĩa, trung bình mỗi tháng DN phải trả khoảng 50 triệu đồng cho chi phí tiền điện. Số tiền này nếu cân đối trong ngân sách sản xuất bình thường thì không lớn, nhưng hiện tại đang khó khăn, cắt giảm được 10% là rất quý.

Tình hình khó khăn chung cũng diễn ra trong ngành chế biến thức ăn chăn nuôi. Đại diện của một DN chế biến tại Đồng Nai, Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam chia sẻ rằng DN hiện đang vận hành 15 nhà máy từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, chế biến thủy sản cho tới chế biến thịt… Mỗi tháng chi phí cho tiền điện lên tới chục tỷ đồng. Vì thế với mức giảm 10% giá điện là sự hỗ trợ kịp thời, động viên DN giảm bớt khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam cung cấp 1.800 tấn sản phẩm ...

VISSAN tiết kiệm được 900 triệu đồng tiền điện nhờ chính sách hỗ trợ của Bộ Công Thương. Nguồn ảnh: TTXVN

Cũng như CP Việt Nam, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN, TP. Hồ Chí Minh) sẽ được giảm gần 900 triệu tiền điện trong 3 tháng sau khi được hưởng chính sách giảm giá điện 10% của Bộ Công Thương. 

Với chuỗi bán lẻ dược phẩm Pharmacity, việc giảm giá điện giúp DN tự tin hơn khi đưa ra các gói kích cầu tiêu dùng, giảm giá trực tiếp cho người dân trong giai đoạn khó khăn chung này. “Từ sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Bộ Công Thương, Pharmacity cũng nhận thấy vai trò đồng hành của mình trong xã hội, đem lại những giá trị thiết thực cho người tiêu dùng. Cụ thể, Pharmacity áp dụng chương trình khuyến mãi đến 18% cho hệ thống cửa hàng trên toàn quốc nhằm giúp khách hàng tiết kiệm hơn khi mua sắm”, đại diện DN này cho biết.

Cần hỗ trợ theo từng ngành

Dù đánh giá cao gói hỗ trợ tiền điện song theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc VISSAN, giá điện phải thực sự hợp lý mới hỗ trợ DN phát triển. Để có giá điện hợp lý, ông An đề xuất ngành điện phải quản lý tốt, bảo trì sửa chữa giảm tiêu hao điện năng… để có giá điện rẻ hơn, từ đó có lợi hơn cho các DN.

“Gói hỗ trợ tiền điện này rất kịp thời song chỉ thiết thực với DN đang hoạt động, DN kinh doanh buôn bán nhiều, còn với những DN du lịch - dịch vụ đang chịu thiệt hại nặng nề thì cũng chưa giúp được nhiều. Vì vậy, Bộ Công Thương có thể xem xét, đánh giá theo từng ngành một nhằm có mức hỗ trợ khác nhau để hỗ trợ tốt hơn cho DN”, ông An đề xuất.

Trên thực tế, rất nhiều DN trong ngành du lịch, dịch vụ khách sạn đang chịu ảnh hưởng nặng từ dịch COVID-19. Theo ước tính của Tổng cục Du lịch Việt Nam, thiệt hại ngành du lịch trong giai đoạn tháng 2 - tháng 4/2020 có thể lên đến 7,7 tỷ USD. 100% cơ sở lưu trú và DN du lịch - lữ hành bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch. Đa số phải cắt giảm nhân lực hoặc tạm thời đóng cửa vì không thể tiếp tục chịu chi phí vận hành. Chính vì thế các DN khối kinh doanh này mong muốn được Bộ Công Thương xem xét việc kéo dài gói hỗ trợ tới hết năm để có thời gian cân bằng lại và hồi phục sau dịch bệnh.

“Dựa theo tình hình dự báo hiện tại, dịch bệnh diễn biến rất phức tạp nên phục hồi ngành du lịch rất khó. Nếu được chúng tôi mong muốn sẽ được gia hạn thêm thời gian áp dụng giá điện như hiện nay”, bà Vũ Thị Thanh Hiền, Phó Giám đốc Khách sạn Grand SaiGon cho biết.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC):

Thực hiện chương trình hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện theo chỉ đạo tại Công văn số 2698/BCT-ĐTĐL của Bộ Công Thương, EVNSPC đã chỉ đạo các đơn vị điện lực tại 21 tỉnh thành miền Nam nhanh chóng triển khai chương trình này đến với từng khách hàng sử dụng điện trên địa bàn. Chỉ tính từ ngày 16/4 đến ngày 27/4/2020, các công ty điện lực thuộc EVNSPC đã thực hiện giảm giá điện, giảm tiền cho 63.688 hóa đơn, tương đương 187,19 tỷ đồng. Chương trình giảm giá điện trong ba tháng (5, 6 và 7/2020) tiếp tục được các đơn vị điện lực của EVNSPC tiếp tục triển khai đúng và đủ đối với mọi khách hàng dùng điện tại miền Nam.

Thành Công