Thứ bảy, 21/12/2024 | 23:15 GMT+7

Việt Nam sẽ phát triển năng lượng sạch, chi phí hợp lý và bền vững

06/03/2020

Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam (phiên bản 2.0) vừa được Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) công bố.

Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam (phiên bản 2.0) vừa được Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) công bố. Theo đó, VBF đưa ra kế hoạch giúp phát triển ngành năng lượng của Việt Nam với lộ trình phát triển năng lượng sạch, có chi phí hợp lý và bền vững hơn.

Việt Nam có tiềm năng về năng lượng tái tạo

Trong Phiên bản 2.0 của Kế hoạch Năng lượng sản xuất tại Việt Nam, VBF đã đưa ra kế hoạch thay thế giúp phát triển ngành năng lượng của Việt Nam trong tương lai bằng cách đề xuất lộ trình phát triển năng lượng sạch hơn, có chi phí hợp lý hơn và bền vững hơn. Theo đó, VBF đưa ra 6 khuyến nghị cơ bản bao gồm: Khuyến khích các chuyên gia năng lượng trong khu vực tư nhân tham gia hỗ trợ xây dựng Tổng Sơ đồ Điện VIII; trong đó, đặc biệt ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, khí, pin lưu trữ và sử dụng hiệu quả năng lượng.

Kế hoạch Năng lượng sản xuất tại Việt Nam phiên bản 2.0 cũng đề xuất, chuẩn hóa Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) và Hợp đồng mua bán điện (PPA) thành hợp đồng có khả năng được chấp nhận cấp vốn quốc tế, được sử dụng toàn cầu cũng như tại các nước ASEAN.

Ngoài ra, cần thực hiện các quy định pháp luật và các ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư tư nhân phát triển các dự án năng lượng tái tạo có quy mô lớn và nhỏ, chẳng hạn như điện mặt trời áp mái, pin lưu trữ, trang trại điện mặt trời, điện mặt trời nổi, điện gió ngoài khơi và trên bờ, điện sinh khối; đơn giản hoá quy trình phê duyệt dự án trong khi vẫn duy trì các hệ thống điện an toàn.

Bà Virginia Foote  - Đại diện Liên minh VBF nhận định, trong khi năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và trở nên bức thiết đã đặt ra yêu cầu khai thác nguồn năng lượng tái tạo, sạch, an toàn để thay thế, trong khi Việt Nam có nhiều tiềm năng về nước, gió và năng lượng mặt trời để phát triển điện sạch.Vì thế, các cơ quan chức năng nên khuyến khích việc sử dụng hệ thống pin mặt trời trên các tầng mái, thậm chí có thể lan tỏa thành các phong trào rộng khắp trong cộng đồng xã hội.

Bà Virginia Foote cho biết, đã có nhiều nhà đầu tư rất quan tâm tới lĩnh vực này, quan trọng là cần những cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích và thúc đẩy họ từ chỗ chỉ quan tâm sang hiện thực hóa thành các quyết định đầu tư.

Trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn thì rất cần động lực để thúc đẩy hợp tác đối tác công tư. Qua đó, đề cao hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong các khâu như quản lý, phân phối giá bán lẻ hợp lý.

Thực tế cho thấy, khối tư nhân có thể thực hiện được nhiều việc đối với các dự án năng lượng và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Sau khi biểu giá bán điện FiT được ban hành vào tháng 9/2016, khối tư nhân đã lắp đặt được xấp xỉ 5,2 GW năng lượng mặt trời. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai khi việc chuyển sang sử dụng khí như một phụ tải nền để hỗ trợ hàng chục các dự án năng lượng tái tạo được đề xuất.

 

Theo: Báo tài nguyên môi trường