Thứ ba, 15/10/2024 | 19:37 GMT+7

Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng sạch

10/10/2016

Nhận thấy Ninh Thuận có tiềm năng về năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã gợi mở một số chính sách để tỉnh này có sự phát triển đột phá.

Ngày 18/9, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh cao nỗ lực của tỉnh trong việc khắc phục những khó khăn do hạn hán khốc liệt gây ra.

Ông Bình cho rằng tỉnh này đang bước đầu thực hiện tốt việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững.

Tuy vậy, ông nêu thực tế kinh tế của tỉnh có tăng trưởng, nhưng chưa bền vững, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, nông nghiệp phát triển chưa vững chắc; thương mại, dịch vụ chuyển biến chưa tương xứng với yêu cầu, thị trường xuất khẩu một số sản phẩm còn khó khăn.

“Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Tài nguyên và môi trường chưa được quản lý chặt chẽ và khai thác sử dụng có hiệu quả. Đời sống của nhân dân một số vùng miền núi, vùng sâu vẫn còn nhiều khó khăn”, ông nói.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận

Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ lợi thế lớn nhất của Ninh Thuận là phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và năng lượng mặt trời.

Toàn tỉnh hiện có 14 vùng gió tiềm năng, khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc. Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ 6,4-9,6m/s, đảm bảo ổn định cho turbin gió phát điện.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt (2011 – 2020), tiềm năng phát triển điện gió ở tỉnh này gồm 5 khu vực với tổng diện tích 21.432 ha, tổng công suất dự kiến 1.429 MW, khả năng khai thác đến 2030 khoảng 2.500 MW với sản lượng 5.475 triệu kWh. 

Để đạt được mục tiêu trên, ông Nguyễn Văn Bình gợi mở cho Ninh Thuận một số chính sách để tạo sự phát triển đột phá, xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng sạch của cả nước. Ông đề nghị tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương sớm xây dựng Đề án thực hiện chính sách thí điểm về giá điện gió, điện mặt trời trình Chính phủ phê duyệt để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư.

Cùng với đó, công tác quy hoạch phát triển nông nghiệp, đặc biệt hệ thống hồ đập cùng hệ thống điều hòa kết nối giữa các hồ để phòng chống hạn hán, cần làm tốt.

Tại buổi làm việc, ông Bình cũng đề nghị các Bộ, ngành theo chức năng nghiên cứu và có phương án hỗ trợ tỉnh trong thời gian tới. Trong khuôn khổ chuyến công tác tại đây, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng đã đến khảo sát địa điểm dự kiến triển khai xây dựng dự án điện năng lượng mặt trời tại huyện Hàm Thuận Nam.

Trước đó, ngày 11/7, tỉnh Ninh Thuận cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất đầu tư dự án điện mặt trời với quy mô 200 MW gồm 4 nhà máy tiểu dự án thực hiện trên diện tích 400 ha tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước. Dự kiến, dự án có tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng này sẽ khởi công trong năm 2018 và hoạt động vào năm 2019.

Theo http://news.zing.vn