Thứ sáu, 26/04/2024 | 03:25 GMT+7

Triển khai lộ trình phát triển điện hạt nhân năm 2015: Một năm bận rộn

02/01/2016

Điều chỉnh mặt bằng xây dựng; ấn định tiến độ di dân giải phóng mặt bằng Nhà máy Điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận 1; đẩy mạnh hoạt động truyền thông; tăng cường đào tạo nhân lực và hợp tác quốc tế… là những công việc đã được các ngành đẩy mạnh triển khai trong năm 2015.

Mọi kế hoạch chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam đang được tích cực triển khai.

Điều chỉnh quy hoạch địa điểm

Địa điểm xây dựng nhà máy ĐHN là tối quan trọng xét về nhiều mặt, trong đó có vấn đề an toàn. Do đó, sau rất nhiều tính toán kỹ lưỡng dựa trên những căn cứ khoa học, ngày 16-7-2015, UBND tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố quyết định điều chỉnh quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 do Bộ Công thương ban hành.

Theo quyết định này, Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 được xây dựng tại thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận). So với mặt bằng cũ đã được duyệt năm 2010, mặt bằng mới được mở rộng về phía Tây Nam và lùi sâu vào đất liền khoảng 400m. Tổng diện tích chiếm đất của dự án (trên đất liền) là hơn 443ha; trong đó diện tích nhà máy chính trong hàng rào gần 190ha. 

Phối cảnh nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 

Nhà máy có tổng diện tích sử dụng trên biển là trên 440ha. Bên cạnh đó, còn có một số điều chỉnh khác như quy mô công suất và công nghệ được quy hoạch với quy mô 4 tổ máy với công suất mỗi tổ máy từ 1.000 đến 1.200 MW được chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn lắp đặt hai tổ máy... Trước đó, ngày 8-6, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án di dân, tái định cư của các dự án nhà máy ĐHN. Theo đó, việc di dân phải tạo điều kiện để người dân sớm ổn định chỗ ở và đời sống và dự kiến tiến độ di chuyển dân hoàn thành trong năm 2018.

Tại hội nghị đánh giá kết quả 10 năm (giai đoạn 2006-2015) thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, ông Hoàng Anh Tuấn (Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử) cho biết: Trong năm 2015, các tư vấn đã hoàn thành và giao nộp báo cáo Dự án đầu tư (FS) và Hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD) đối với các dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1. Cụ thể, trong tháng 2-2015, sau quá trình thẩm tra nội bộ, làm việc với tư vấn để hiệu chỉnh, bổ sung một số nội dung của SAD, FS của dự án, EVN đã có văn bản gửi các bộ, ngành đề nghị thẩm định. Tháng 9-2015, EVN đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Dự kiến tháng 3-2016, vấn đề này sẽ được Chính phủ xem xét và thông qua.

Cùng với đó, các dự án thành phần liên quan đến Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 như: Đào tạo nhân lực; hạ tầng phục vụ thi công; khu quản lý vận hành, khu chuyên gia, Trung tâm Quan hệ công chúng… đang được tích cực triển khai.

Mở rộng hợp tác quốc tế

Việt Nam đang trong quá trình xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên, chưa có kinh nghiệm trong phát triển nguồn năng lượng này nên việc hợp tác quốc tế luôn là ưu tiên hàng đầu. Thời gian qua, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và một số nước như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ. Đặc biệt, nước ta và các tổ chức, quốc gia này đã ký các hiệp định hợp tác về năng lượng nguyên tử.

Trong chuyến công tác tại Việt Nam mới đây, ông N.Drozdov - Giám đốc Khối kinh doanh quốc tế, Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) cho biết: Gần đây, ROSATOM nhận được nhiều dấu hiệu tốt từ phía Việt Nam trong nỗ lực phát triển ĐHN. Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên, vấn đề chính là làm thế nào để chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng. Vì thế, Việt Nam không nên quá vội vàng, gấp gáp, vì đây là dự án lớn, thời gian sử dụng dài, tới vài thập kỷ.

Một trong những ưu tiên của hợp tác quốc tế trong năm 2015 cũng như giai đoạn tới là hợp tác phát triển tiềm lực, xây dựng cơ sở nghiên cứu mới hiện đại, triển khai dự án hợp tác với Nga xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân. Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu tiếp thu công nghệ, vận hành, bảo dưỡng lò phản ứng nghiên cứu và nhà máy ĐHN, cung cấp các dịch vụ khoa học và hỗ trợ kỹ thuật cho dự án ĐHN Ninh Thuận và các nhà máy ĐHN sau này, Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân cũng nghiên cứu các định hướng ứng dụng vật lý hạt nhân, hóa học phóng xạ, sinh học phóng xạ, y học hạt nhân, khoa học vật liệu... 

Đồng thời, trung tâm cũng là nơi thực hiện sản xuất và cung cấp đồng vị phóng xạ, dược chất đánh dấu cho y tế, chế tạo vật liệu bán dẫn cho ngành công nghiệp điện tử, triển khai các dịch vụ và chuyển giao công nghệ về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội… Cũng trong khuôn khổ hợp tác Việt - Nga, ngày 30-7-2015, Công ty Liên hợp ASE - NIAEP trực thuộc ROSATOM và EVN đã ký kết thỏa thuận khung cho việc thực hiện giai đoạn đầu xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1.

Thông thường, các quốc gia lần đầu xây dựng nhà máy ĐHN cần khoảng 10-15 năm để hoàn thành tổ máy ĐHN đầu tiên. Theo nghiên cứu sơ bộ, giai đoạn 2019-2020 bắt đầu khởi công tổ Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và có thể phát điện tổ máy đầu tiên vào khoảng năm 2028 là phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Ngọc Diệp (Theo báo Hà Nội mới)