Thứ tư, 06/11/2024 | 23:30 GMT+7
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có văn bản đề nghị Bộ Công thương bổ sung Dự án Điện gió LandVille Ninh Thuận (Hanbaram) vào Quy hoạch Phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Dự án này do Công ty cổ phần LandVille Energy, công ty con của Tập đoàn LandVille Inc. (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư và đã đề xuất với chính quyền tỉnh Ninh Thuận từ năm 2011.
Sau một thời gian đề xuất, do chậm làm thủ tục đầu tư, tháng 4 năm ngoái, LandVille đã bị UBND tỉnh Ninh Thuận cảnh báo thu hồi chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, hồ sơ trình bổ sung Quy hoạch Dự án Điện gió LandVille đã đáp ứng các điều kiện theo hướng dẫn tại Thông tư 32/2012/TT-BTC của Bộ Công thương quy định thực hiện phát triển điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió, nên tỉnh Ninh Thuận đã đề nghị Bộ Công thương bổ sung Dự án vào Quy hoạch. “Đây là căn cứ để nhà đầu tư triển khai các bước tiếp theo”, ông Võ Đại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nói.
Thông tin chi tiết về dự án mà Ninh Thuận kiến nghị Bộ Công thương lần này chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, theo ông Võ Đại, Dự án được xây dựng với tổng công suất lắp đặt là 140,3 MW, trên 3 lô đất khác nhau. Tổng diện tích đất để khảo sát dự án này lên đến 850 ha.
Nếu được chấp thuận, LandVille sẽ có cơ hội hiện thực hóa kế hoạch đầu tư của mình tại Việt Nam. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay tại Ninh Thuận là, tỉnh có 12 dự án điện gió nằm trong Quy hoạch, trong đó, nhiều dự án đã có chủ, như Nhà máy Điện năng lượng tái tạo Phước Nam - Enfinity, Nhà máy Điện gió Mũi Dinh…, song tình trạng chậm tiến độ diễn ra rất phổ biến.
Nổi bật trong số đó là Nhà máy Phước Nam - Enfinity của nhà đầu tư Enfinity (Bỉ). Dự án này đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 3/2011, với tổng vốn đăng ký 266 triệu USD. Theo kế hoạch, Enfinity sẽ triển khai dự án để đến tháng 12/2012 có thể đưa dự án vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, Dự án vẫn chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định để tiến hành khởi công xây dựng.
Cuối năm 2011, nhà đầu tư này đã từng cam kết rằng, tới cuối năm 2012, sẽ triển khai Dự án, nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Đó là lý do khiến UBND tỉnh Ninh Thuận rất sốt ruột và nhiều lần hối thúc nhà đầu tư khẩn trương tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án.
Hàng loạt dự án điện gió của Impsa (Argentina), Timur (Malaysia)… dù cam kết đầu tư lớn, song đến nay, có chủ đầu tư đã ra đi, trong khi những chủ đầu tư còn trụ lại thì cũng trong tình trạng chấp chới.
Thực tế, đó là tình trạng chung không chỉ ở tỉnh Ninh Thuận, mà còn ở nhiều địa phương khác có dự án điện gió. Cơ chế, chính sách chưa rõ ràng đối với phát triển năng lượng tái tạo được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án này chậm chạp trong triển khai.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ mới đây, Tiểu nhóm Công tác điện và năng lượng của VBF đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng, năng lượng tái tạo là phù hợp nhất để hỗ trợ nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong tương lai gần nhờ khả năng mở rộng trong một thời gian ngắn. Bởi vậy, để phát triển năng lượng tái tạo, phải tạo ra một môi trường thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.
“Chúng tôi ủng hộ đề xuất của các cơ quan tư vấn cho Bộ Công thương về việc tăng mức giá bán cho điện sản xuất (FIT) từ năng lượng gió, đồng thời đơn giản hóa thủ tục đăng ký và triển khai”, đại diện Tiểu nhóm Công tác điện và năng lượng của VBF phát biểu.
Liên quan vấn đề này, ông Sigmud Stromme, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Bắc Âu tại Việt Nam, Văn phòng TP.HCM cũng nêu quan điểm: “Hãy gia tăng FIT cho năng lượng gió và đơn giản hóa quy trình đầu tư”, đồng thời đề xuất rằng, các chính sách tương tự nên được áp dụng cho cả các hợp đồng mua bán điện đối với các nhà máy điện sinh khối và nhà máy sản xuất điện từ chất thải.
Theo Báo Đầu Tư