Thứ năm, 07/11/2024 | 03:44 GMT+7

Nga hỗ trợ tối đa Việt Nam phát triển điện hạt nhân

21/05/2015

Liên bang Nga đã cam kết cung cấp cho Việt Nam khoản vay tín dụng ưu đãi khoảng 10 tỷ USD cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và các công tác chuẩn bị liên quan.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Liên bang Nga đã cam kết cung cấp cho Việt Nam khoản vay tín dụng ưu đãi khoảng 10 tỷ USD cho dự án nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận 1 và các công tác chuẩn bị liên quan.

Nga đang tích cực hỗ trợ Việt Nam về vốn, kỹ thuật, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ vận hành nhà máy

Thúc đẩy hợp tác

Ông Lê Doãn Phác - chuyên viên cao cấp của Bộ KH&CN - cho biết, Việt Nam và Nga đã ký nhiều hiệp định hợp tác về năng lượng nguyên tử như: Hiệp định hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình (năm 2002); Hiệp định hợp tác xây dựng nhà máy ĐHN trên lãnh thổ Việt Nam (năm 2010); Hiệp định hợp tác xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam (năm 2011); Hiệp định về hợp tác để đưa vào Liên bang Nga nhiên liệu đã qua sử dụng của Lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân của Việt Nam (năm 2012).

Đặc biệt, từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cùng Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) ký Bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Sau đó, Bộ KH &CN và Rosatom cũng ký Bản ghi nhớ có nội dung tương tự. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân ký một số biên bản làm việc với Cơ quan Giám sát môi trường, Công nghiệp và Hạt nhân Liên bang Nga (Rostechnadzor) về xây dựng văn bản pháp quy và đào tạo nhân lực cho cơ quan pháp quy của Việt Nam.

Đồng thời, Nga còn tài trợ cho Việt Nam xây dựng Trung tâm thông tin năng lượng nguyên tử tại trường Đại học Bách khoa (Hà Nội). Tháng 4/2012, trung tâm đã được khánh thành và đưa vào hoạt động. Đây là trung tâm đầu tiên ở Việt Nam phục vụ thông tin tuyên truyền về năng lượng nguyên tử và ĐHN.

Cũng theo các Hiệp định hợp tác đã ký, Nga được lựa chọn là đối tác chiến lược của dự án Ninh Thuận 1. Việc Nga đồng ý hỗ trợ Việt Nam về vốn, kỹ thuật, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ vận hành nhà máy, là những yếu tố hết sức quan trọng quyết định sự thành công của dự án ĐHN Ninh Thuận.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển ĐHN giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 13 tổ máy ĐHN với tổng công suất khoảng 15.000 MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện.

Đảm bảo an toàn cao nhất

Rosatom là đơn vị trực tiếp tư vấn, xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam (Ninh Thuận 1) và Ninh Thuận 1 sẽ là nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến nhất, bảo đảm an toàn cao nhất hiện nay.

Đại diện Ban Quản lý dự án ĐHN Ninh Thuận - cho biết: Nga giới thiệu  nhiều công nghệ ĐHN VVER thế hệ 3+ với các phiên bản khác nhau: AES-91, AES-92, AES-92 Belene, AES-2006… để Việt Nam có cơ sở đánh giá, lựa chọn. Đến nay, nhiều ý kiến đang nghiêng về phiên bản AES-2006 - phiên bản này có vòng đời 60 năm, bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế cao hơn và được sử dụng tại 5 nhà máy ĐHN đang xây dựng tại Nga. Bên cạnh đó, trong 323 sinh viên đang theo học các chuyên ngành liên quan đến ĐHN tại Nga, có 236 sinh viên (trong đó 87 sinh viên người Ninh Thuận) cam kết về làm việc tại ban quản lý dự án này.

Ông Lê Doãn Phác cho hay, trong lĩnh vực bảo đảm an ninh hạt nhân, từ năm 2004, Liên bang Nga đã hợp tác với Việt Nam, Hoa Kỳ và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thực hiện Chương trình chuyển đổi nhiên liệu cho Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt từ sử dụng nhiên liệu uran có độ giàu cao sang sử dụng nhiên liệu uran có độ giàu thấp. Ngày 3/7/2013, chương trình chuyển đổi nhiên liệu kết thúc thành công với việc toàn bộ số nhiên liệu uran có độ giàu cao đã qua sử dụng còn lại ở Việt Nam và được đưa trở về Nga.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển ĐHN giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 13 tổ máy ĐHN với tổng công suất khoảng 15.000 MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện.

 

Theo Báo Công Thương