Thứ năm, 28/03/2024 | 16:10 GMT+7

Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển điện hạt nhân

16/05/2015

Chính sách nhất quán của Việt Nam là phát triển và sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình, đảm bảo an toàn, an ninh.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là phát triển và sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình, đảm bảo an toàn, an ninh. Theo đó, việc phát triển dự án điện hạt nhân Ninh Thuận - dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam phải thực hiện hết sức chặt chẽ, việc chuẩn bị đầu tư và đầu tư phát triển các dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 phải đảm bảo an toàn, an ninh cao nhất và có hiệu quả kinh tế.

Các chuyên gia Nga và Việt Nam đang khảo sát khu vực xây nhà máy

điện hạt nhân Ninh Thuận 1. 

Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

Trong khuôn khổ hội thảo công tác thông tin, tuyên truyền điện hạt nhân, thực hiện Đề án thông tin tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 do Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, ông Lê Doãn Phác, chuyên viên cao cấp Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết việc sử dụng năng lượng nguyên tử an toàn, an ninh vì mục đích hoà bình là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. 

Vì vậy các nước đều mong muốn xây dựng và thúc đẩy các quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử để có thể kiểm soát, phòng ngừa những nguy cơ mất an toàn, an ninh và sử dụng năng lượng nguyên tử vào các mục đích phi hoà bình.

Ông Lê Doãn Phác nhấn mạnh Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, chưa có kinh nghiệm trong phát triển điện hạt nhân nên việc hợp tác quốc tế về năng lượng nguyên tử là việc quan trọng và là ưu tiên hàng đầu cũng như giải pháp quan trọng để huy động nguồn lực, rút ngắn thời gian và giảm chi phí.

Các tổ chức quốc tế và khu vực coi việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế như là giải pháp tăng cường và mở rộng vai trò, ảnh hưởng của mình. Đối với các nước có nền khoa học và công nghệ, công nghiệp hạt nhân phát triển, thông qua hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất, tăng lợi ích kinh tế, đồng thời chuyển giao công nghệ cho các nước bắt đầu phát triển điện hạt nhân.

Việt Nam là quốc gia thành viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tổ chức Hợp tác vùng về nghiên cứu, phát triển và đào tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân (RCA), Diễn đàn Hợp tác hạt nhân Châu Á (FNCA) và tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã ký Hiệp định hợp tác về năng lượng nguyên tử với hầu hết các nước có nền khoa học và công nghệ hạt nhân tiên tiến và có nền công nghiệp điện hạt nhân hàng đầu trên thế giới như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Achentina, Nga, Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ.

Nhấn mạnh tầm quan trọng trong hợp tác quốc tế, ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết trong triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Việt Nam đã ký với Nga và Nhật Bản các hiệp định, thỏa thuận hợp tác, trong đó Nga là đối tác dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Nhật Bản là đối tác dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, đảm bảo cam kết sử dụng công nghệ tiên tiến nhất với tiêu chuẩn an toàn cao nhất; chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho dự án; cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho toàn bộ thời gian hoạt động của nhà máy điện hạt nhân. Đặc biệt là hợp tác trong quản lý và xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ của Nhà máy điện hạt nhân.

Ngày 6/5/2014, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký hiệp định sử dụng hoà bình năng lượng hạt nhân, gọi tắt là Hiệp định 123 có hiệu lực từ ngày 15/10/2015. 

Việc ký Hiệp định 123 đã tạo khung pháp lý cho các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử đặc biệt là điện hạt nhân. 

Hiệp định 123 còn tạo cơ sở pháp lý cho phép các quốc gia khác có thể cung cấp cho Việt Nam các vật liệu thiết bị và công nghệ hạt nhân chịu sự chi phối về bản quyền của Hoa Kỳ. Hiệp định có hiệu lực 30 năm, sẽ tiếp tục có hiệu lực với mỗi giai đoạn là 5 năm và có thể được sửa đổi khi có thỏa thuận giữa hai bên.

Một số vấn đề cần tiếp tục hợp tác

Ông Lê Doãn Phác nhấn mạnh một trong những ưu tiên của hợp tác quốc tế trong giai đoạn tới là hợp tác phát triển tiềm lực, xây dựng cơ sở nghiên cứu mới và hiện đại, triển khai dự án hợp tác với Liên bang Nga xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân với mục tiêu nghiên cứu tiếp thu công nghệ, tiến tới làm chủ trong thiết kế, vận hành, bảo dưỡng lò phản ứng nghiên cứu và nhà máy điện hạt nhân, cung cấp các dịch vụ khoa học và hỗ trợ kỹ thuật cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các nhà máy điện hạt nhân sau này.

Nghiên cứu các định hướng ứng dụng vật lý hạt nhân, hoá học phóng xạ, sinh học phóng xạ, y học hạt nhân, khoa học vật liệu... Đồng thời, Trung tâm cũng là nơi thực hiện sản xuất và cung cấp đồng vị phóng xạ, dược chất đánh dấu cho y tế, chế tạo vật liệu bán dẫn cho ngành công nghiệp điện tử, triển khai các dịch vụ và chuyển giao công nghệ về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Hợp tác quốc tế trong giai đoạn tới cũng nhấn mạnh đến vấn đề ưu tiên đào tạo dài hạn, chuyên sâu một số cán bộ nghiên cứu khoa học ở một số nước có nền khoa học và công nghệ hạt nhân tiên tiến, để sau khi về nước các cán bộ được đào tạo có đủ khả năng lãnh đạo các nhóm nghiên cứu phục vụ cho chương trình điện hạt nhân.

Bên cạnh đó, các chính sách và kế hoạch phát triển điện hạt nhân của Việt Nam phải thu hút được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế và nhiều nước trên thế giới. Theo đó, Khung chương trình quốc gia hợp tác giữa Việt Nam và IAEA giai đoạn 2016-2020 đang được soạn thảo để hai bên ký kết vào tháng 9/2015 tới, trên cơ sở đề xuất của Việt Nam, IAEA cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng, tăng cường năng lực phục vụ chương trình điện hạt nhân.

Ngoài ra một số công ty chế tạo, cung cấp thiết bị điện hạt nhân của các nước như: Mỹ, Pháp, Hàn Quốc... mong muốn được tham gia và trở thành đối tác của Việt Nam trong phát triển điện hạt nhân. 

Trước thực tế này, Việt Nam phải có những nghiên cứu, phân tích, dự báo và sẵn sàng những phương án để tránh bị động trong quan hệ hợp tác quốc tế về năng lượng nguyên tử, cũng như phân bổ nguồn lực một cách hợp lý để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về năng lượng nguyên tử.

Cũng theo ông Hoàng Anh Tuấn, công tác thông tin tuyên truyền có vai trò quan trọng trong hợp tác quốc tế thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng hợp tác quốc tế về truyền thông điện hạt nhân. 

Để đảm bảo mục tiêu, phải nâng cao tính chủ động của cơ quan truyền thông trong thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân, nhất là khi có các sự kiện liên quan đến điện hạt nhân ở Việt Nam được dư luận quốc tế quan tâm.

Xác định được vai trò quan trọng trong thông tin, ngày 3/2/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và ROSATOM, Liên bang Nga ký bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực thông tin đối với các dự án chung trong ngành công nghiệp điện hạt nhân. 

Đến cuối tháng 5 này, Bộ Khoa học và Công nghệ và ROSATOM sẽ ký bản kế hoạch hợp tác năm 2015 về thông tin điện hạt nhân, nhằm hiện thực hoá bản ghi nhớ này.

 

Theo TTXVN