Thứ năm, 07/11/2024 | 03:43 GMT+7
Hơn 600 triệu người dân châu Phi ở vùng Hạ Sahara không có khả năng tiếp cận với điện. Điều này kéo theo sự thiếu hụt trầm trọng cơ hội cải thiện chất lượng chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, an ninh và thu nhập.
Chính phủ và doanh nghiệp các nước châu Phi đều nhận thấy rõ việc phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp tốt nhất để cải thiện tình trạng này mà vẫn đảm bảo sự bền vững về mặt môi trường. Tuy nhiên, những hạn chế về kĩ thuật và vốn là những rào cản lớn mà các nước này khó có thể vượt qua. Bởi vậy, trong nhiều năm, các dự án phát triển năng lượng tái tạo hầu như chỉ nằm trên giấy tờ vì không khả thi.
Để góp phần giải quyết thực trạng trên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phối hợp với các tổ chức của nước này để đưa ra sáng kiến tài chính năng lượng tái tạo Mỹ - châu Phi (ACEF) với ngân sách 20 triệu đô la.
Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ kinh phí cho Chính phủ các nước châu Phi phát triển năng lượng tái tạo. Qua đó, khẳng định tính khả thi của các dự án năng lượng tái tạo tại khu vực này với các nhà đầu tư trên toàn cầu.
Chương trình đã nhận được hồ sơ từ hàng trăm nhà thầu năng lượng tái tạo. Trải qua một quá trình thẩm định khắt khe, ACEF đã quyết định đầu tư vào 30 dự án năng lượng tại 10 quốc gia với tổng công suất lắp đặt dự kiến là 400 MW.
Ngoài ngân sách của chương trình, 30 dự án còn nhận được nhiều nguồn vốn huy động khác với trị giá lên tới 1,5 tỷ đô la.
Các dự án được lựa chọn có hướng tiếp cận khá đa dạng. Trong đó, đặt trọng tâm vào việc hình thành một nguồn điện tại chỗ, không kết nối với lưới điện quốc gia nhằm đảm bảo nhu cầu điện năng tại các vùng nông thôn nghèo đói và xa xôi. Việc lắp đặt các máy móc sản xuất điện cũng sẽ được tính toán cẩn thận cho phù hợp với điều kiện địa lý của từng khu vực.
Tại Tanzania, dự án Off-Grid hỗ trợ lắp đặt pin mặt trời miễn phí đã giúp người dân địa phương tăng cường khả năng tiết kiệm điện. Tính đến nay, dự án đã cung cấp điện cho 14 nghìn hộ gia đình với 70 nghìn người tại Tanzania. Giá điện ở đây thậm chí còn rẻ hơn giá điện chạy bằng dầu diesel hay ắc quy. Dự án kỳ vọng trong thời gian tới sẽ đem điện tới cho 250 nghìn người.
Tại Nigeria, dự án đã cung cấp những bóng đèn năng lượng mặt trời cỡ nhỏ để giúp trẻ em học bài vào buổi tối. Sau một thời gian sử dụng, những bóng đèn này đa chứng tỏ ra hiệu quả hơn hẳn đèn pin, đèn dầu và nến.
Trong khi đó tại Rwanda, nhờ nguồn vốn cuả ACEF giúp nước này xây dựng một nhà máy điện mặt trời với công suất 8,5 MW. Đây là dự án điện mặt trời đầu tiên của quốc gia này.
Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, ACEF đã đạt được những thành tựu bước đầu trong việc phát triển năng lượng tái tạo tại châu Phi, đem điện năng đến người dân những khu vực khó khăn, và quan trọng nhất là chứng minh được tính khả thi của các dự án.
Trường Duy (Theo OPIC)