Thứ năm, 07/11/2024 | 03:41 GMT+7
Chủ đầu tư nhiều dự án điện gió đang kỳ vọng sớm có những chuyển động mới trong phát triển điện gió, khi vướng mắc lớn nhất là giá mua điện gió đang được Bộ Công thương nghiên cứu thay đổi.
Các nhà đầu tư điện gió bị lỗ nặng với mức giá mua điện gió hiện nay là 7,8 UScent/kWh.
Hiện cả nước có 3 dự án điện gió đã có điện bán vào hệ thống điện quốc gia. Tiên phong trong lĩnh vực đầu tư vào điện gió là Dự án điện gió tại Tuy Phong (Bình Thuận) của Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo (REVN) đã vận hành phần 5 trụ gió có công suất 7,5 MW từ tháng 9/2009. Nhà đầu tư này cũng đã triển khai xây dựng các trụ gió tiếp theo để đạt công suất giai đoạn I là 30 MW.
Tiếp đó, Dự án Phong điện trên đảo Phú Quý (Bình Thuận) với công suất 6 MW gồm 3 cột tua-bin cũng đã vận hành vào tháng 9/2012. Tuy nhiên, phát triển điện gió được nhắc tới nhiều hơn khi Nhà máy Điện gió Bạc Liêu của Công ty TNHH Công Lý đi vào hoạt động. Sau khi triển khai thành công giai đoạn I có quy mô 16 MW và bán điện lên lưới vào tháng 5/2013, Công ty đang triển khai giai đoạn II có quy mô 52 trụ, với công suất 83 MW.
Đặc biệt, Công ty TNHH Công Lý cũng có kế hoạch tiếp tục lắp thêm 150 trụ điện gió trên biển Bạc Liêu với tổng công suất 300 MW sau khi hoàn tất giai đoạn II. Ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công Lý cho biết, 10 trụ điện gió trên biển Bạc Liêu của giai đoạn I đã phát điện từ tháng 5/2013 với giá 9,8 UScent/kWh.
Thực tế, mức giá 9,8 UScents/kWh hiện chỉ được áp dụng cho Điện gió Bạc Liêu, bởi đặc thù của Dự án là đầu tư các cột gió trên biển. Đối với 2 dự án điện gió đã đi vào hoạt động trước đó, giá mua điện đang áp dụng theo Quyết định 37/2001/QĐ-TTg với mức 7,8 UScent/kWh, trong đó 6,8 UScent/kWh do Tập đoàn Điện lực Việt Nam trả, 1 UScent là từ nguồn Quỹ Bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Nghiên cứu tại 3 dự án điện gió đang hoạt động của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho thấy, chi phí xây dựng trung bình là 2 triệu USD và chi phí vận hành hàng năm là 35.000 USD cho mỗi MW điện gió. Như vậy, mức giá mua điện gió hiện nay là 7,8 UScent/kWh tuy cao hơn so với giá điện tới tay người tiêu dùng, nhưng các nhà đầu tư điện gió vẫn lỗ nặng.
Đây cũng là nguyên nhân chính của tình trạng, dù có tới 48 dự án điện gió với quy mô 4.876 MW được đăng ký với các địa phương và cơ quan chức năng trong vòng 1 năm sau khi Quyết định 37/2011/QĐ-TTg được ban hành, nhưng số triển khai thực tế vẫn chỉ dừng lại ở 3 dự án như hiện tại.
Chủ đầu tư một dự án gió có quy mô 30 MW tại bán đảo Phương Mai (Bình Định) cho hay, đã 7 năm trôi qua kể từ khi đầu tư dự án điện gió này, mọi kế hoạch vẫn chưa thể triển khai trên thực tế, bởi vướng mắc chính vẫn là giá mua điện gió. “Nếu được mua điện với giá 9,8 UScent/kWh như Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, dự án đã có thể triển khai trên thực tế”, ông này nói và cho hay, đang rất ngóng chờ những thay đổi trong chính sách mua điện gió mà Bộ Công thương đang nghiên cứu.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cũng cho hay, đầu tuần qua, Bộ Công thương đã có cuộc họp liên quan đến việc sửa cơ chế phát triển điện gió, trong đó nổi lên câu chuyện giá mua điện gió. “Giá mua điện gió hiện nay chắc chắn sẽ thay đổi. Mức giá mới đang được tính toán dao động quanh con số 10 UScent/kWh”, nguồn tin này cho hay.
Dĩ nhiên với mức giá này, cơ hội để phát triển điện gió chắc chắn sẽ hiện thực hơn với nhiều chủ đầu tư.
Ở một góc độ khác, theo nhận xét của một số chuyên gia quốc tế về điện gió, hướng đi chưa đúng trong chiến lược phát triển điện gió tại Việt Nam là ưu tiên xây các nhà máy điện gió trên các vùng biển ven bờ. Xây trên biển thì không mất phí sử dụng đất, nhưng chi phí xây dựng cột điện gió từ dưới nước lên cao gấp nhiều lần. Bởi vậy, thực tế điện gió trên bờ sẽ thuận tiện hơn nhờ có cơ sở hạ tầng, nên chi phí sẽ rẻ hơn.
Theo tính toán của GIZ, thay vì miễn tiền thuê mặt biển cho các nhà đầu tư điện gió theo chính sách hiện hành, nên ưu tiên cấp đất và miễn tiền thuê đất trên bờ ven biển cho các nhà đầu tư điện gió. Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ vay vốn hoặc bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn xây dựng điện gió.
Như vậy, để đạt được 1 GW điện gió đến năm 2020, tổng mức đầu tư cần khoảng 2,1 tỷ USD trong 6 năm. Với mức vốn vay trung bình chiếm 70%, sẽ cần phải vay 1,47 tỷ USD để đầu tư vào điện gió. GIZ cũng đề xuất nâng mức giá mua điện gió lên 10,4 UScent/kWh. Ngoài ra, cần xem xét miễn thuế nhập khẩu tua-bin 10% hiện tại để giảm giá thành xây dựng.
Theo Báo Đầu tư