Chủ nhật, 22/12/2024 | 13:02 GMT+7
Năng lượng sinh khối là việc sử dụng các loại phế phẩm nông nghiệp) để sản xuất ra năng lượng. Đây là dạng năng lượng tái tạo hữu hiệu thay cho năng lượng truyền thống nên được nhiều nước quan tâm đầu tư và phát triển. Trên cơ sở thực hiện “Quy hoạch Năng lượng sinh khối cho tỉnh Hậu Giang” của dự án Hỗ trợ năng lượng tái tạo Việt - Đức (RESP), Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 3 đã cơ bản thu thập đầy đủ số liệu và hình dung toàn cảnh “bức tranh sinh khối” của tỉnh.
Hiện nay, có rất nhiều phương án nghiên cứu tái sử dụng nguồn phế phẩm từ nông nghiệp như trấu, bã mía, lá mía, rơm, rạ... vừa cải thiện môi trường vừa mang lại thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn nguyên liệu trên phục vụ cho mục đích tạo nguồn năng lượng bằng công nghệ tiên tiến thì vẫn còn khá mới mẻ.
Thống kê của nhóm nghiên cứu cho thấy tỉnh ta có nguồn nguyên liệu ổn định, không biến đổi nhiều qua từng năm. Đây chính là điều kiện cần cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng mong muốn đầu tư. Tỉnh Hậu Giang có diện tích trồng lúa khoảng 80.000ha, sản lượng 1,2 triệu tấn/năm, lượng trấu sinh ra khoảng 229.000 tấn/năm. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh còn có 3 nhà máy đường với tổng công suất khoảng 10.000 tấn/ngày đêm (hoạt động 7 tháng/năm), lượng bã mía dư thừa sau khi làm chất đốt khoảng 350 tấn/ngày. Lượng sinh khối khổng lồ này nếu được xử lý sẽ là nguồn lợi lâu dài và bền vững cho việc quy hoạch năng lượng sinh khối của tỉnh. Tuy nhiên, những phế phẩm trên đang gây ra ô nhiễm môi trường và trở thành vấn đề nhức nhối.
Cũng như nhiều nông dân khác, ông Võ Văn Sáu, ở ấp Xáng Mới C, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, trồng trên 3.000m2 rau màu, trong đó có gần 2.000m2 bắp. Cứ mỗi vụ, ông ước thu về lợi nhuận khoảng 5-6 triệu đồng, chỉ tính riêng tiền bắp cao lắm 1 công đạt cao nhất chỉ 2 triệu đồng/công.
Tuy nhiên, điều trăn trở của người nông dân này không nằm ở lợi nhuận từ những con số kể trên mà ở chỗ những phế phẩm sau khi thu hoạch bắp xong ông phải đốn bỏ mà không cách nào tái sử dụng được. Ông Sáu chia sẻ: “Kết thúc một vụ, phần thân cây vẫn để chết khô trên rẫy và xem như hoàn toàn bỏ đi. Nếu có một giải pháp nào đó tái sử dụng được thì rất hữu ích cho nông dân. Thêm được một đồng thì cũng đỡ được phần nào, vì hiện nay giá cả thị trường biến động nhiều, trồng cây gì, con gì cũng phải lo lắng đến đầu ra”.
Riêng ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ, Giám đốc Nhà máy đường Phụng Hiệp, còn khá lo lắng: “Hiện nay, giá cả các loại phế thải nông nghiệp như trấu, bã mía, rơm rạ đã tăng khá cao do việc tái sử dụng đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Bã mía được thu mua với giá khoảng 300 đồng/kg, chi phí vận chuyển 250 đồng/kg. Lượng bã mía do 2 nhà máy đường của công ty sản xuất ra phần lớn đã được thu mua. Như vậy, bài toán giá thành phải tính đến khả năng cạnh tranh thì người nông dân mới thực sự được hưởng lợi”.
Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về năng lượng tái tạo, trong đó có ông Werner Kossmann, Cố vấn trưởng dự án RESP, cho rằng: Năng lượng sinh khối không còn là vấn đề chỉ thực hiện được ở các nước phát triển. Chính vì thế, dự án sẽ mở ra hướng đi mới cho Việt Nam nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng. Tiềm năng là thứ không thể sờ hay đếm được nhưng là thước đo giúp tỉnh đánh giá và hình thành những “kịch bản” quy hoạch. Dựa vào đó, tỉnh có thể đưa ra những chính sách thu hút đầu tư phù hợp. Việc tận dụng hiệu quả hơn các nguồn phế phẩm nông nghiệp có thể cùng lúc góp phần đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu và cải thiện thu nhập cũng như đời sống của bộ phận người dân vùng nông thôn. Tôi hoàn toàn tin tưởng ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam sẽ có một triển vọng khả quan. Và GIZ sẵn sàng hỗ trợ tỉnh Hậu Giang trong phát triển ngành năng lượng này.
Còn ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang cho biết: Dự án mở ra nhiều triển vọng cho tỉnh Hậu Giang nhưng muốn quy hoạch được cần phải làm rõ chuỗi giá trị từ khâu thu gom đến sản xuất ra được năng lượng. Hơn hết, phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Bởi họ chính là những người đứng đầu trong chuỗi sản xuất, tạo ra nguồn nguyên liệu. Điều cần thiết là phải trực tiếp ghi nhận ý kiến của người nông dân để có được kết quả chính xác nhất về giá cả đầu vào, đầu ra. Thứ hai, sản xuất nông nghiệp của Hậu Giang còn nhỏ lẻ nên việc thu gom sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu tính toán được rồi thì nghĩ đến thực tế có triển khai quy hoạch được hay không? Từ những “kịch bản” mà các nhà nghiên cứu đưa ra đến khi hoàn chỉnh quy hoạch còn là một chặng đường dài hơi. Vì vậy, sự quan tâm của các ngành liên quan là điều kiện tiên quyết để Hậu Giang tiến gần hơn với lĩnh vực mới mẻ này.
Theo Hậu Giang Online