Thứ sáu, 29/03/2024 | 07:16 GMT+7

ĐBSCL: Nhiều địa phương chú trọng đầu tư điện gió

25/03/2015

Theo Ủy ban năng lượng gió thế giới, dự kiến đến năm 2020 năng lượng gió sẽ chiếm khoảng 12% tổng năng lượng cung ứng toàn cầu, tức đạt khoảng 1,2 triệu MW điện gió được đưa vào sử dụng.

Trong khi có không ít nơi đang đẩy mạnh phát triển thủy điện và nhiệt điện thì Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại tập trung mạnh vào phát triển điện gió - được xem là nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.

Nhiều địa phương ở ĐBSCL đang chú trọng đẩy mạnh phát triển điện gió. Trong ảnh là dự án điện gió Bạc Liêu tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu đang được vận hành khá tốt. 

Thông tin từ Ban quản lý khu kinh tế Trà Vinh cho biết địa phương này vừa trao giấy chứng nhận đầu tư giai đoạn 1 dự án điện gió Hàn Quốc- Trà Vinh cho Công ty TNHH một thành viên điện gió Trà Vinh 1.

Dự án có tổng vốn đầu tư xây dựng là 2.400 tỉ đồng, được xây dựng trên tổng diện tích 1.210 héc ta, thuộc địa bàn 2 xã Trường Long Hòa và Dân Thành của huyện Duyên Hải.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thì giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng 24 tua bin gió, có công suất 48 MW và sẽ đưa vào sử dụng từ tháng 9-2017.

Theo ông Lê Tấn Lực, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Trà Vinh, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư trên nằm trong quy hoạch phát triển năng lượng điện của địa phương, giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020.

Còn theo tìm hiểu của phóng viên, trước đó vào cuối tháng 2-2015, Công ty TNHH Xây dựng- Thương mại và Du lịch Công Lý (Cà Mau) đã lắp dựng 52 tua bin gió ở giai đoạn 2 của dự án nhà máy điện gió Bạc Liêu với tổng kinh phí đầu tư 4.200 tỉ đồng (bao gồm  52 trụ tua bin gió, hạ tầng điện, đường dẫn…).

Ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng- Thương mại và Du lịch Công Lý, cho biết sau 14 tháng vận hành ở giai đoạn 1 (10 tua bin gió), dự án đã hòa vào lưới điện quốc gia được tổng cộng 58 triệu KWh.

Theo ông Dân, dự kiến đến quí 2-2016, giai đoạn 2 của dự án sẽ được đưa vào sử dụng và được chia làm ba đợt đóng điện, gồm đợt 1 vào cuối tháng 5-2015 (20 tua bin gió); đợt 2 vào đầu tháng 9-2015 (16 tua bin gió) và sẽ đóng điện số tua bin gió đợt còn lại vào cuối tháng 4-2016.

Như vậy, với việc đưa vào khai thác giai đoạn 2, công suất phát điện của toàn dự án sẽ được nâng lên 99,2 MW.

Còn theo thông tin từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, sau khi giai đoạn 2 của dự án trên hoàn thành, họ sẽ tiếp tục đầu tư (về tài chính) để xây dựng thêm 300 cột tua bin gió mới với tổng công suất dự kiến ước đạt 480 MW, cao gấp hơn 4 lần so với tổng công suất hiện tại của dự án nhà máy điện gió Bạc Liêu (sau khi giai đoạn 2 hoàn thành- PV).

Ngoài hai địa phương trên, theo tìm hiểu của phóng viên, Sóc Trăng cũng đang kêu gọi thêm nhà đầu tư để đầu tư, xây dựng một số dự án điện gió tại địa phương này.

Thông tin từ UBND Sóc Trăng cho biết tính đến năm 2014 địa phương này đã chấp thuận chủ trương cho 8 nhà đầu tư đăng ký triển khai thủ tục và các bước để thực hiện một dự án điện gió trên địa bàn. Trong đó, có ít nhất 2 đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, gồm một dự án thuộc liên doanh giữa Công ty TRASECO và Tập đoàn EAB (Đức) và một dự án thuộc Công ty TNHH điện gió Vĩnh Châu.

Còn theo quy hoạch phát triển điện gió của Sóc Trăng, giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, địa phương này sẽ dành  37.340 héc ta diện tích để phát triển điện gió với tổng công suất dự kiến đạt 1.470 MW, gồm ba vùng cụ thể như sau: vùng 1, tại khu vực bãi bồi ven biển thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và Cù Lao Dung với diện tích 21.900 héc ta, công suất 860 MW; vùng 2, khu đất liền ven biển thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề với diện tích 7.500 héc ta, công suất 295 MW; vùng 3, khu đất liền thị xã Vĩnh Châu với diện tích 7.940 héc ta, công suất 325 MW.

Theo Ủy ban năng lượng gió thế giới, dự kiến đến năm 2020 năng lượng gió sẽ chiếm khoảng 12% tổng năng lượng cung ứng toàn cầu, tức đạt khoảng 1,2 triệu MW điện gió được đưa vào sử dụng. Thế nhưng, để đạt được con số này, dự kiến mỗi năm thế giới phải đầu tư thêm khoảng 100 tỉ đô la Mỹ cho điện gió.

Cũng theo Ủy ban năng lượng điện gió thế giới, việc sản xuất điện gió sẽ cắt giảm được khoảng 10,7 triệu tấn khí thải CO2 do điện gió là nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.

Theo Thời báo KT Sài Gòn