Thứ bảy, 21/12/2024 | 23:35 GMT+7

Đại sứ Đan Mạch: Năng lượng xanh vẫn là lựa chọn tất yếu

05/02/2015

“Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, Việt Nam cần chú trọng nhiều hơn nữa đến phát triển năng lượng xanh”, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen khuyến cáo.

“Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, Việt Nam cần chú trọng nhiều hơn nữa đến phát triển năng lượng xanh”, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen khuyến cáo.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielson.

Trong bối cảnh giá dầu thô giảm mạnh, có ý kiến cho rằng Chính phủ Việt Nam có thể trì hoãn việc chuyển đổi sang tăng trưởng xanh. Ông bình luận thế nào về điều này?

Tôi không nghĩ vậy. Giá dầu vẫn lên, xuống thường xuyên, nhưng về lâu dài nó sẽ ổn định. Vì vậy, giá dầu không ảnh hưởng gì đến quyết định của các chính phủ hay các nhà đầu tư lớn trong các dự án phát triển năng lượng xanh. Cũng có thể, một vài nơi trên thế giới đưa ra một số quyết định trì hoãn một số dự án, nhưng tôi nghĩ nó sẽ không ảnh hưởng nhiều lắm đến bức tranh toàn cảnh về phát triển năng lượng xanh. Năng lượng xanh vẫn là lựa chọn tất yếu mà các quốc gia phải làm.

Đan Mạch đã mất 30 năm để chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, ông có thể cho biết yếu tố nào đóng vai trò quyết định trong quá trình chuyển đổi này?

Lý do quyết định chuyển đổi nền kinh tế là trong những năm 1970, Đan Mạch đã trải qua thời kỳ khủng hoảng năng lượng. Khi đó, giá dầu nhập khẩu tăng rất cao, Chính phủ Đan Mạch không còn lựa chọn nào khác là hướng tới giải pháp bền vững hơn, cũng như tạo khả năng độc lập, thoát khỏi bị lệ thuộc. Quan điểm đó được duy trì qua các nhiệm kỳ chính phủ tiếp theo, nên chúng tôi đã tiến được tới nền kinh tế xanh như hôm nay.

Trong thời gian thực hiện mục tiêu đó, chúng tôi đã áp dụng rất nhiều biện pháp, chẳng hạn như đánh thuế cao việc sử dụng năng lượng hóa thạch. Chúng tôi khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân áp dụng các biện pháp nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới, công nghệ xanh để có thể sử dụng năng lượng tái tạo được nhiều hơn. Chúng tôi phải đo lường xem họ sử dụng bao nhiêu nước sạch, bao nhiêu điện và đánh thuế các hộ gia đình sử dụng quá mức cần thiết.

Chúng tôi cũng chú ý nhiều tới việc nâng cao ý thức cho những người dân để sử dụng năng lượng xanh nhiều hơn nữa. Liên hệ với Việt Nam, tôi biết rằng quá trình nhận thức này không phải dễ dàng gì, không phải là chuyện qua một đêm, nhưng dần dần với ý thức hướng đến phát triển xanh, phát triển bền vững, tôi tin rằng Việt Nam sẽ làm được, bởi Đan Mạch đã làm được điều đó.

Sau 30 năm, Đan Mạch đã thực hiện được mục tiêu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch nhập khẩu từ các nước Trung Đông, đó là điều mà trước kia chúng tôi không thể làm được, dù đó là hành trình khá dài.

Đan Mạch đã chuyển đổi thành công mô hình kinh tế tăng trưởng xanh, Việt Nam cũng đang theo hướng này, nhưng kết quả còn rất hạn chế, theo ông tại sao như vậy?

Thực tế, quá trình chuyển đổi của Việt Nam đến một nền kinh tế xanh hơn mới diễn ra gần đây. Năm 2009, Việt Nam mới có Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, sau đó đến năm 2012, Chính phủ Việt Nam mới ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và đến năm 2014 mới có Chương trình hành động Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.

Một lý do nữa khiến quá trình chuyển đổi của Việt Nam chậm hơn Đan Mạch là bởi xuất phát điểm kinh tế của Đan Mạch cao hơn, nhiều nguồn lực hơn. Tôi nghĩ, quá trình chuyển đổi này của Việt Nam sẽ khá dài, Đan Mạch trải qua 30 năm thì Việt Nam cũng phải mất nhiều thời gian hơn nữa mới đạt được mục tiêu đó.

Phát triển tăng trưởng xanh, tôi nghĩ, nhận thức rất quan trọng. Trong thời gian 4 năm ở Việt Nam, tôi nhận thấy nhận thức của quan chức chính phủ, người dân đã có sự thay đổi tích cực. Mọi người đã chú ý và quan tâm hơn đến tăng trưởng xanh, đến tác động của biến đổi khí hậu đến sông MeKong, hay tương lai của việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch ở Việt Nam… Điều đó cho thấy mọi việc đang tiến triển, không phải dậm chân tại chỗ.

Bước tiếp theo có thể làm là Nhà nước Việt Nam phải có những chính sách khuyến khích rõ ràng và cụ thể. Không chỉ là những khuyến khích về chính sách mà còn là những cam kết về tài chính, Chính phủ Việt Nam phải dành ra một khoản nhất định cho phát triển xanh.

Chính phủ Đan Mạch có hỗ trợ quá trình chuyển đổi này của Việt Nam không, thưa ông?

Năm 2014, chúng tôi mang đến Việt Nam hai quỹ tín dụng xuất khẩu, với những cơ chế hỗ trợ tài chính dành cho các doanh nghiêp của Việt Nam quan tâm đến lĩnh vực này. Bên cạnh đấy, chúng tôi có một quỹ khác ở Đan Mạch cũng đưa ra những hỗ trợ tương tự về cơ chế tài chính.

Cạnh đó, chúng tôi đã và đang thực hiện các chương trình về tăng trưởng xanh cho Việt Nam. Thứ nhất là chương trình hỗ trợ về biến đổi khí hậu ở 2 tỉnh Quảng Nam và Bến Tre. Thứ hai, hỗ trợ DNNVV của Việt Nam trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Hai chương trình này được thực hiện đến năm 2016. Chúng tôi hi vọng sẽ hỗ trợ được nhiều hơn các DNNVV khác trong các chương trình sử dụng năng lượng hiệu quả.

Một kế hoạch tiếp theo nữa, chúng tôi đang xây dựng chương trình hợp tác giữa Bộ Tài nguyên môi trường Việt Nam với Bộ khí hậu và Năng lượng Đan Mạch. Qua hợp tác này, chúng tôi cố gắng xây dựng chương trình nâng cao năng lực cho cơ quan chính phủ về các vấn đề về khí hậu và môi trường. Thông qua đó, chúng tôi cũng cố gắng chuyển giao các công nghệ, kỹ năng về phát triển xanh.

Cảm ơn ông!

Theo Nangluongvietnam