Thứ ba, 08/10/2024 | 19:16 GMT+7

Tiết kiệm điện để giảm áp lực tăng giá

07/01/2015

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là phải kêu gọi tiết kiệm điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là phải kêu gọi tiết kiệm điện. Bởi nếu năm 2015, phụ tải điện tăng lên quá cao, EVN buộc phải đổ dầu vào đốt thì giá thành sản xuất điện sẽ rất cao…

Tăng giá điện phải tính thực tế
 
Liên quan đến vấn đề giá điện có tăng trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, theo Quyết định 69/2013/QĐ-TTg ngày 19.11.2013, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ xem xét phương án giá điện do EVN trình, nếu phương án giá điện tăng từ 7-10% thì EVN được quyền tăng sau khi được Bộ Công Thương phê duyệt, còn nếu tăng trên 10% và giá điện nằm ngoài khung giá phát 1.437-1.835 đồng/kWh, Bộ Công Thương sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

46aa11c8d_1420428353wkdfdsc_0454_ovtx.jpg

Giải pháp quan trọng nhất để không tăng giá điện là phải tiết kiệm điện. 
 
Chi phí giá thành của EVN là các yếu tố đầu vào khi phát điện. Việc tăng giá điện trong năm 2015 sẽ phải tính toán trên cơ sở thực tế, như giá than đã tăng theo lộ trình, giá khí và phụ thuộc vào cơ cấu nguồn điện mà EVN huy động, nhất là vào mùa khô. Giải đáp câu hỏi: Giá dầu xuống thấp như hiện nay sẽ ảnh hưởng ra sao tới việc điều chỉnh giá điện, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết: Đối với các nhà máy điện trực tiếp chạy dầu như Thủ Đức, Cần Thơ, Ô Môn, hoặc các nhà máy điện có giá nhiên liệu tính theo giá dầu như Nhà máy Điện Cà Mau thì giá dầu giảm đương nhiên giá thành điện sẽ giảm.
 
Tuy nhiên, sản lượng điện của các nhà máy này hiện rất thấp. Còn các nhà máy chạy than thì giá than nội địa do Nhà nước quy định (hiện nay giá than chưa giảm theo giá dầu), trừ nhà máy sử dụng than nhập khẩu sẽ đi theo giá dầu.
 
Còn các nhà máy thủy điện đương nhiên sẽ không ảnh hưởng tới giá thành điện khi giá dầu giảm.
 
Giải pháp quan trọng là tiết kiệm
 
Theo ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc EVN, năm 2014, do cơ cấu sản lượng thủy điện tăng đã khiến EVN giảm được khoảng 2.055 tỷ đồng chi phí nên đã hạn chế được áp lực tăng giá lên giá điện. Tuy nhiên, EVN vẫn phải tăng chi phí thêm 2.100 tỷ đồng do điều chỉnh giá than; tăng giá khí trên bao tiêu là 1.114 tỷ đồng; do biến động tỷ giá tăng là 128 tỷ đồng; thuế tài nguyên nước tăng thêm 1.504 tỷ đồng; chi phí lưới điện nông thôn tăng trên 1.000 tỷ đồng…; bổ sung chi phí môi trường năm 2011-2012 của các nhà máy thủy điện nhỏ dưới 30 MW và chênh lệch tỷ giá còn treo lại, tổng cộng là 15.000 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, ông Tri cũng nhấn mạnh, nếu tăng trưởng phụ tải điện ở miền Nam quá nhanh trong khi nhiều nhà máy trong khu vực chưa vào kịp (gần 3.000MW công suất các nhà máy đang xây dựng), nguy cơ thiếu điện cao, buộc EVN phải đổ dầu vào đốt thì giá thành sản xuất điện trong năm 2015 sẽ rất cao. Do vậy, giải pháp quan trọng nhất lúc này vẫn phải là tiết kiệm điện.

Giá bán điện bình quân thực tế tại Phú Quốc chỉ bằng 62,7% giá thành, tại Phú Quý chỉ bằng 48,94% và tại Lý Sơn chỉ bằng 32,52% giá thành điện.

Theo Dân Việt