Chủ nhật, 22/12/2024 | 12:58 GMT+7
Chính phủ các nước đã và đang tung ra các gói kích thích kinh tế để lấy lại tăng trưởng kinh tế cũng như giải quyết vấn đề việc làm. Tuy nhiên, có một điều không mấy rõ ràng, là liệu nền kinh tế sau khủng hoảng có bền vững hay không lại quay trở lại với mô hình kinh tế “xám” phụ thuộc vào các nguồn năng lượng không bền vững, sử dụng nguyên liệu cao, và rủi ro môi trường cao. Tuy nhiên, ít ra các nỗ lực của các quốc gia dưới đây cũng đáng được quan tâm, học hỏi:
Hoa Kỳ
Chính phủ Mỹ đang nỗ lực xóa bỏ tiếng xấu là nước tiêu thụ năng lượng hoang phí nhất và xả khí thải lớn nhất thế giới (chỉ chiếm 4,5% dân số thế giới nhưng tiêu dùng đến 25% năng lượng toàn cầu). Chính phủ Mỹ đã thông qua một loạt tiêu chuẩn mới về khí thải. Yêu cầu các công ty sản xuất ôtô chuyển sang các xe kết hợp vừa chạy điện, vừa chạy xăng, song song với việc cải tiến các động cơ để tiết kiệm nhiên liệu. Trong số đó có quy định năm 2016, xe hơi không được phép tiêu thụ quá 6,6 lít xăng/100km, từ 9,4 lít/100km như hiện nay.
Với những biện pháp trên, nước Mỹ sẽ tiết kiệm được gần 2 tỷ thùng dầu/năm, đồng thời giảm được 30% khí thải xả ra môi trường. Cũng theo kế hoạch của Chính phủ, đến năm 2012, điện năng của Mỹ phải dùng từ nguồn nằng lượng tái tạo và phát triển năng lượng hạt nhân với mục tiêu bảo đảm an toàn năng lượng. Hiện nay, năng lượng điện hạt nhân của Mỹ chiếm 70% lượng điện phi các-bon.
Từ 2016, xe ô tô tại Mỹ không được tiêu thụ vượt quá 6,6 lít xăng/100 km
Để giảm dần mức độ phụ thuộc nhập khẩu dầu từ nước ngoài và sự biến đổi khí hậu toàn cầu, Chính phủ Mỹ quyết định áp dụng kế hoạch “Khống chế lượng thải khí các- bon thương mại” và tiến hành bán đấu giá các sản phẩm hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Số tiền bán đấu giá bình quân mỗi năm là 15 tỷ USD, được dùng một phần vào việc khuyến khích phát triển nguồn năng lượng sạch.
Mỹ cũng đang trong quá trình thành lập một chương trình triển khai các dự án ngoài khơi sản xuất điện từ tuốc-bin gió và dòng hải lưu. Theo tính toán của chương trình này, gió có thể tạo ra 20% nhu cầu điện của nước Mỹ vào năm 2030 nếu như tiềm năng đầy đủ của nguồn tài nguyên thiên nhiên này được khai thác cả ở trên đất liền và ngoài biển. Chương trình này dự kiến tạo ra 250.000 việc làm.
Bộ Năng lượng Mỹ dự tính, đến năm 2020, sẽ hạn chế được 15% nhu cầu điện trung bình, do sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đến năm 2030, người tiêu dùng sẽ phải tiết kiệm 130 tỷ USD cho chi phí năng lượng và phải cắt giảm 5 tỷ tấn các-bon thải ra.
Chính sách gắn kết Châu Âu của EU
Chính sách gắn kết Châu Âu được Chủ tịch ủy ban Châu Âu công bố ngày 09 tháng 3 năm 2009. Theo chính sách này, EU sẽ đầu tư 105 tỷ EUR vào kinh tế xanh. Số tiền này lớn hơn gấp 3 lần so với số tiền đã được chi cho giai đoạn 2002-2006. Phần lớn của toàn bộ gói ngân sách này (54 tỷ EUR) sẽ dành cho việc giúp đỡ các Chính phủ thành viên EU tuân thủ hệ thống pháp luật về môi trường của EU. EU cũng sẽ dành riêng 28 tỷ EUR cho việc cải thiện nguồn nước và quản lý rác thải.
EU đưa ra nhiều mục tiêu tham vọng về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong đó có việc giảm đến 20% lượng khí thải nhà kính, tăng năng lượng tái sinh lên 20% trong tổng tiêu thụ năng lượng của EU vào năm 2020. Khoản ngân sách giá trị 48 tỷ EUR được sử dụng để đạt được các mục tiêu khí hậu và tạo ra nền kinh tế có lượng các-bon thấp.
Chính sách gắn kết Châu Âu cũng mở ra các thị trường mới cho các nền kinh tế EU thông qua nắm bắt các cơ hội mới từ công cuộc chống lại thay đổi khí hậu như là một nguồn năng lượng tiềm năng. Gần một nửa các quốc gia thành viên của EU (bao gồm áo. Bun-ga-ri, Séc, Pháp, Đức, Hung- ga-ri, Italia, Ba-lan, Bồ Đào Nha, Ru-ma-ni, Slo-va-ki-a và Anh) đã đưa các chỉ số giảm lượng khí thải nhà kính vào chương trình gắn kết của quốc gia mình.
Hải Yến (Theo ECC HP)