Thứ bảy, 21/12/2024 | 23:11 GMT+7

IAEA sẽ giúp Việt Nam xây dựng điện hạt nhân

09/01/2014

Trong khuôn khổ chuyến thăm từ 7-11.1.2014 tới Việt Nam, Tổng giám đốc IAEA đã có buổi làm việc với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) - chủ đầu tư của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano khuyên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): An toàn là yếu tố quan trọng nhất trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân, cần nhiều công nhân kỹ năng tốt hơn là nhân lực trình độ cao và phải có cơ quan pháp quy an toàn độc lập và mạnh mẽ.

96260a9e7_tai_xuong_84.jpg
 
Trong khuôn khổ chuyến thăm từ 7-11.1.2014 tới Việt Nam, Tổng giám đốc IAEA đã có buổi làm việc với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) - chủ đầu tư của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Trò chuyện với ông Yukiya Amano, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh thừa nhận: "EVN chưa có kinh nghiệm chọn địa điểm, lựa chọn công nghệ và xử lý bã thải  của nhà máy điện hạt nhân và chưa có kinh nghiệm trong việc tạo sự đồng thuận từ phía công chúng".

Bên cạnh đó, nhắc lại sự cố điện hạt nhân tại Fukushima năm 2011, Tổng giám đốc EVN cho rằng sự cố này đã tạo nên tâm lý không tốt ở các nước chuẩn bị xây dựng điện hạt nhân. Ông bày tỏ mong muốn Tổng giám đốc IAEA nhận định về xu hướng sử dụng điện hạt nhân trên thế giới, cũng như vai trò và ưu thế của loại hình năng lượng này.

Đáp lời Tổng giám đốc EVN, ông Yukiya Amano cho biết, tuy sự cố Fukushima đã xảy ra nhưng xu thế chung của thế giới đến năm 2030, điện hạt nhân vẫn được phát triển và duy trì đều đặn. Ở các nước đang phát triển, tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh đồng nghĩa với nhu cầu điện năng lớn. Với những nước lần đầu tiên phát triển điện hạt nhân như Việt Nam thì thách thức lớn nhất là nâng cao năng lực.

Về sự cố Fukushima, Tổng giám đốc IAEA cho rằng bên cạnh tác động tiêu cực, sự cố Fukushima cũng là một cơ hội tốt để có những bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, đặc biệt là vấn đề an toàn. "Bài học lớn nhất là phải có cơ quan pháp quy an toàn độc lập và mạnh mẽ" - ông nói.

"An toàn là yếu tố quan trọng nhất vì điện hạt nhân đồi hỏi vốn đầu tư lớn, phải có quá trình vận hành an toàn và tốt có biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu để nhà máy hoạt động bền vững ổn định trong vòng 30-40 năm".

Về nguồn nhân lực, ông Yukiya Amano cho biết: "Chỉ cần nhân lực trình độ cao ở một số vị trí, còn lại phải có công nhân có kỹ năng tốt để vận hành nhà máy. Ở Nhật, chỉ cần sinh viên tốt nghiệp cao đẳng hay trung học nhưng phải được đào tạo tại chỗ và có kinh nghiệm vận hành nhà máy".

Tổng giám đốc IAEA sẽ có chuyến thăm thực địa tại Ninh Thuận - nơi đặt hai nhà máy điện hạt nhân trước khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam.

 
Theo Xã luận