Thứ sáu, 22/11/2024 | 22:19 GMT+7
Phát triển năng lượng
tái tạo, TS.Trần Viết Ngãi –Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, phải xác định
được tiềm năng, đề ra kế hoạch khai thác và các chính sách, cơ chế hỗ trợ phát
triển.
Quyết định Phê duyệt Chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu “Phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 3% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010, khoảng 5% vào năm 2020 và khoảng 11% vào năm 2050”.
Trong Quyết định Phê duyệt Quy
hoạch Điện VII ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu “Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo
cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức
3,5% năm 2011 lên 4,5% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030”.
So sánh hai văn bản trên, TS.Trần
Viết Ngãi nhận định: “ Đích năm 2020 về phát triển năng lượng tái tạo Quy hoạch
Điện VII thấp hơn so với Chiến lược là 0,5%”.
“Vấn đề quan trọng nhất là hiện nay Việt Nam
chưa có quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo với thời gian triển khai đồng bộ
với Quy hoạch Điện VII, tức cho giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 và phải được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Trần Viết Ngãi nói.
Quy hoạch phát triển năng lượng
tái tạo, theo TS Ngãi, phải xác định được tương đối chính xác tiềm năng các dạng
năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, sinh khối và khí sinh học, địa nhiệt, thủy
triều… từ đó đề ra kế hoạch khai thác và các chính sách, cơ chế khuyến khích hỗ
trợ phát triển.
Đánh giá về tổng tiềm năng
gió, con số Viện Năng lượng – Bộ Công Thương, đưa ra là 1800MW trong khi GTZ(Đức)
công bố số liệu điều tra nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới lên tới 513.360MW. “Một
sự chênh lệch quá lớn giữa 2 kết quả nghiên cứu”, TS Ngãi nói.
Nhà máy điện gió tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận |
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt
Nam, điện gió, một dạng năng lượng tái tạo được coi là có khả năng phát ra sản
lượng điện lớn nhất so với các dạng còn lại của Việt Nam. Ngoài ra, các dự án điện gió công suất nhỏ và
các hệ lai ghép tuabin gió – điezen, tuabin gió – pin mặt trời công suất nhỏ
không nối lưới (2 – 200kW).
Việt Nam hiện có 23 dự án điện
gió, cả nối lưới và không nối lưới, còn đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư và đầu
tư chỉ có 3 nhà máy đã đưa vào vận hành là Nhà máy Phong điện Bình Thuận 20x1,5MW; Nhà máy Phong điện Đảo
Phú Quý 3x2MW và 10 tổ máy của Nhà máy Phong điện Bạc Liêu 66x1,5MW. Ưu điểm của các nhà máy phong điện là thời
gian xây dựng nhanh, nhưng giá bán điện của các dự án nhà máy phong điện thường
cao.
Tại Huyện đảo Phú Quý hiện
nay đã hình thành một hệ thống điện địa phương không nối lưới với hệ thống điện
quốc gia trong đó có 2 nguồn điện thuộc chủ đầu tư khác nhau: nguồn điện diezen
6x0,5MW do Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) là đại diện và nguồn điện
gió 3x2MW do Công ty TNHH một thành viên Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí Việt
Nam (PV Power RE) là đại diện.
Dự án Nhà máy Phong điện Đảo
Phú Quý được PV Power chính thức triển khai thực hiện từ khi có ý kiến chỉ đạo
của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính Trị, Thường trực Ban Bí
thư tại cuộc họp ngày 11/6/2010 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc cấp điện
cho Đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận.
Đây là loại hình lai ghép
gió – diezen đặt ngoài hải đảo không phát triển trên thế giới và ở Việt Nam là
dự án đầu tiên. Chính phủ, Bộ Công Thương chưa có hướng dẫn đầy đủ, chi tiết về
quy trình đầu tư và quản lý trong cả quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu
tư. Cho đến thời điểm này, nhà máy đã đưa vào vận hành thương mại nhưng vẫn
chưa được phương án hỗ trợ giá điện.
Phát triển phong điện, cần
được quan tâm nhiều hơn để không kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư và đầu tư, trong
đó có việc đàm phán giá điện. TS Ngãi cho rằng, Chính phủ và Bộ Công Thương cần
sớm giải quyết phương án hỗ trợ cho Dự án Nhà máy Phong điện Đảo Phú Quý.
Việc giải quyết thỏa đáng những
vướng mắc của các dự án điện gió, theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, sẽ
tạo điều kiện cho ngành năng lượng tái tạo phát triển vững mạnh, từ đó mới đáp ứng
được yêu cầu của Quy hoạch Điện VII cũng như Chiến lược phát triển năng lượng
quốc gia của Việt Nam đối với phân ngành năng lượng tái tạo.
Thanh
Huyền