Thứ bảy, 21/12/2024 | 22:54 GMT+7

Thực hiện đúng lộ trình sử dụng xăng sinh học

22/07/2013

Ngày 9/7/2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg, ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.

Ngày 9/7/2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg, ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Sau khi nghe đại diện Bộ Công Thương báo cáo tình hình triển khai Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống; ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận như sau:

c8e6c6bde_989fb81cf_xang_e5.jpg
Đánh giá chung

Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ là chủ trương lớn thuộc Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng quốc gia, giải quyết các vấn đề môi trường và phát thải cacbon tại Việt Nam.

Bộ Công Thương và các cơ quan đã có nhiều cố gắng trong thực hiện các nội dung liên quan; các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu đã tích cực tham gia, góp phần đẩy nhanh việc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Quyết định có những khó khăn do thói quen tiêu dùng và nhu cầu của thị trường với sản phẩm nhiên liệu sinh học còn thấp, các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học hoạt động chưa hiệu quả, chưa chủ động đầu tư vùng nguyên liệu và tâm lý người tiêu dùng đối với sản phẩm nhiên liệu sinh học còn e ngại, sợ rủi ro.

Các công tác cần triển khai trong thời gian tới

Để thực hiện Lộ trình đã nêu tại Quyết định 53/2012/QĐ-TTg, yêu cầu các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ sau đây:

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các yếu tố an toàn, lợi ích của sản phẩm nhiên liệu sinh học để cộng đồng tin tưởng, yên tâm thấy được các lợi ích của các sản phẩm này. Lưu ý đa dạng hóa phương thức, nội dung tuyên truyền, qua đó cho thấy người dân được gì, nhà sản xuất được gì và nhà nước được gì khi sử dụng nhiên liệu sinh học.

Trong tháng 7 năm 2013, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra, đánh giá toàn bộ các nhà máy sản xuất cồn nhiên liệu sinh học, khả năng đảm bảo về nguồn nguyên liệu, công nghệ và phương án sản xuất, các cơ chế, chính sách ưu đãi áp dụng đối với các nhà máy sản xuất cồn nhiên liệu, rà soát, đánh giá năng lực hệ thống hạ tầng pha trộn, phân phối sản phẩm nhiên liệu sinh học; rà soát, đánh giá hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm nhiên liệu sinh học từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra đánh giá trước ngày 15 tháng 9 năm 2013.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi đối với các dự án sản xuất, phối trộn, phân phối nhiên liệu sinh học nhằm hỗ trợ phát triển bền vững vùng nguyên liệu; phối hợp với Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương thức xác định giá thành đối với sản phẩm nhiên liệu sinh học. Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các chính sách thuế xuất khẩu đối với sắn nguyên liệu.

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục chỉ đạo các nhiệm vụ khoa học công nghệ để triển khai, hỗ trợ chương trình sản xuất và phân phối nhiên liệu sinh học; chủ động hoàn thiện các phương thức kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm nhiên liệu sinh học.

Các tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam, chủ động lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh đảm bảo nguồn cung nhiên liệu sinh học ổn định, các phương thức giao nhận, vận chuyển, tồn trữ nhiên liệu sinh học đảm bảo cung cấp theo lộ trình và nhu cầu thị trường (Văn bản số: 250/VPCP, ngày 17/7/2013).

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống bao gồm các mức sau đây: hỗn hợp xăng không chì và ethanol nhiên liệu biến tính với hàm lượng ethanol từ 4% - 5% theo thể tích và được gọi là xăng E5.

Hỗn hợp của xăng không chì và ethanol nhiên liệu biến tính với hàm lượng ethanol từ 9% - 10% theo thể tích và được gọi là xăng E10.

Hỗn hợp các nhiên liệu đi-ê-zen và nhiên liệu đi-ê-zen sinh học gốc với hàm lượng este metyl axit béo (FAME) từ 4% - 5% theo thể tích và được gọi là đi-ê-zen B5.

Hỗn hợp các nhiên liệu đi-ê-zen và nhiên liệu đi-ê-zen sinh học gốc với hàm lượng este metyl axit béo (FAME) từ 9% - 10% theo thể tích và được gọi là đi-ê-zen B10.

Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn Xăng E5, từ ngày 1/12/2014, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu là xăng E5.

Từ ngày 1/12/2015 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E5.

Từ ngày 1/12/2016, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu là xăng E10.

Từ 1/12/2017 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E10.

Trong thời gian chưa thực hiện áp dụng tỷ lệ phối trộn theo Lộ trình, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, phối chế và kinh doanh xăng E5, E10 và đi-ê-zen B5 và B10.

 Theo NangluongVietnam.vn