Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:30 GMT+7

Trăn trở bài toán giá năng lượng

06/07/2013

Trong báo cáo giải trình tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính, Vinacomin tính toán điều chỉnh giá bán than cho điện theo hướng phù hợp với giá thị trường.

Trong báo cáo giải trình tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công Thương đang  phối hợp với Bộ Tài chính, Vinacomin tính toán điều chỉnh giá bán than cho điện theo hướng phù hợp với giá thị trường.
 
dddd6aeb1_images_9.jpg

Than tiếp tục đề nghị tăng giá

Theo Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện nay, giá than bán cho điện đã điều chỉnh, bù đắp được giá thành năm 2011, còn việc điều chỉnh tiếp giá than để bù đắp giá thành sản xuất năm 2013, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Công Thương xem xét trình Chính phủ thời điểm và biên độ phù hợp, bảo đảm việc điều chỉnh không ảnh hưởng nhiều đến giá thành điện. Nếu quyết định này được thông qua thì đây sẽ là lần điều chỉnh thứ hai giá than bán cho điện trong năm nay.

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Vinacomin cho biết, việc tiếp tục điều chỉnh giá than cho điện là rất cần thiết. Bởi vì, sau khi điều chỉnh đợt 20/4/2013, giá than bán cho điện mới chỉ bằng 85% -87% giá thành năm 2013. Trong khi đó, kế hoạch than bán cho điện năm 2013 chiếm sản lượng rất lớn. Nếu không được điều chỉnh giá thì năm 2013, ngành than sẽ phải bù giá bán cho điện khoảng 6.000 tỉ đồng. Hiện khoản bù giá chưa biết trông vào đâu vì than bán trong nước và xuất khẩu, sau khi trừ các loại thuế cũng chỉ đủ bù đắp chi phí. Việc tiếp tục xuất khẩu than chỉ nhằm mục đích giữ chân lao động và duy trì việc làm cho lao động.

Điện không thể không tăng

Ai cũng hiểu việc tăng giá điện là không thể tránh khỏi, nhất là trong điều kiện giá điện bán ra chưa theo kịp thị trường nhưng giá nhiên liệu đầu vào (than, xăng dầu) đang ngày càng tăng. Hiện tại, than chiếm khoảng 70% giá thành nhiệt điện than, trong khi, tỷ lệ nhiệt điện than chiếm khoảng 1/4-1/3 tổng cơ cấu nguồn phát. Việc giá than tiếp tục tăng sẽ khiến chi phí sản xuất của các nhà máy nhiệt điện tăng đáng kể, gây sức ép rất lớn lên khả năng cân đối tài chính của ngành điện. Trong khi EVN phải mua điện từ các đơn vị để bán lẻ, nếu mua giá cao bán giá thấp thì EVN sẽ lỗ. Nếu ép các nhà máy điện bán giá thấp thì họ cũng không đầu tư thêm nữa và nguy cơ thiếu điện sẽ xảy ra. Đó là chưa kể, năm 2013, EVN dự kiến tăng chi phí hàng chục nghìn tỷ đồng để chạy dầu FO trong mùa khô, đồng thời, dành khoảng 30.289 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi vay. Chắc chắn những khoản lỗ này sẽ được phân bổ vào giá thành điện để điều chỉnh giá trong những lần tiếp theo.

Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến nay giá điện vẫn chưa tăng thêm lần nào, mặc dù Quyết định 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phép EVN điều chỉnh giá điện tăng hoặc giảm 5% theo biến động của các thông số đầu vào cơ bản (gồm giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái và cơ cấu sản lượng điện phát...), thời gian điều chỉnh giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng. Theo ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, việc tăng giá điện phụ thuộc rất lớn vào nguồn phát đắt hay rẻ. Hiện tại, hệ thống cung ứng có các nguồn điện gồm chạy khí, than, dầu, thủy điện và nhập khẩu với các mức chi phí khác nhau. Vì vậy, việc điều chỉnh giá điện còn liên quan tới hàng loạt tiêu chí khác chứ không chỉ dựa vào mỗi giá than.

Mới đây, Bộ Công Thương cũng vừa hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Theo đó, giá điện cho sản xuất sẽ tăng khá mạnh từ 2-7% (tùy cấp điện áp và thời điểm sử dụng). Riêng các ngành sản xuất sắt thép, xi măng đang được đề xuất áp giá điện riêng cao hơn từ 2%-16% nhằm chấm dứt tình trạng bù chéo điện sinh hoạt cho điện sản xuất. Điều này đang tạo nên nhiều luồng  ý kiến khác nhau nhưng ai cũng cho rằng tăng giá điện là tất yếu.

Mặc dù hiện nay EVN vẫn chưa công bố kế hoạch tăng giá điện, nhưng xét về lâu dài, nếu trì hoãn việc tăng giá điện sẽ khó thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào ngành điện, trong khi các nhà máy trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất điện.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi giá điện chưa tiệm cận được với giá nhiên liệu đầu vào thì việc tăng giá điện là không tránh khỏi. Tuy nhiên, điện là mặt hàng thiết yếu nên Chính phủ cần cân nhắc phương án điều chỉnh giá thích hợp, tránh gây bất lợi cho nền kinh tế.
 
Theo ICON.com.vn