Thứ hai, 07/10/2024 | 19:15 GMT+7

Cần tạo lập cơ chế hỗ trợ đặc thù để phát triển điện gió

10/11/2012

Với tiềm năng phát triển nguồn năng lượng sạch điện gió lên tới hàng nghìn MW nhưng đến nay Việt Nam mới chỉ đầu tư và khai thác được khoảng 30 MW công suất.

Với tiềm năng phát triển nguồn năng lượng sạch điện gió lên tới hàng nghìn MW nhưng đến nay Việt Nam mới chỉ đầu tư và khai thác được khoảng 30 MW công suất. Phần tiềm năng lớn còn lại vẫn bị bỏ ngỏ do chi phí đầu tư dạng năng lượng sạch này cao hơn nhiều so với các dạng năng lượng truyền thống như thủy điện hay nhiệt điện trong khi “đầu ra” lại bị vướng bởi cơ chế giá điện hiện hành.  

d6d0ce622_diengio.jpg
  
*Tiềm năng vẫn bỏ ngỏ 

Tại Hội thảo hợp tác điện gió Việt Nam-Đan Mạch ngày 8/11 tại Hà Nội, ông Naveen Balachandran, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - Trung Quốc của Tập đoàn sản xuất tuabin gió lớn nhất trên thế giới (VETAS) khẳng định: Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh với dự kiến khoảng trên 5%/năm, đang có nguồn năng lượng hỗn hợp (cả thủy điện, nhiệt điện, phong điện, năng lượng mặt trời), có nguồn năng lượng gió dồi dào và nhất là đã có chính sách rõ ràng để phát triển điện gió. Đây là bốn điểm quan trọng thu hút các nhà đầu tư, trong đó có VETAS đến Việt Nam để phát triển điện gió. Chính phủ Việt Nam cũng đã có kế hoạch phát triển các trang trại điện gió có công suất lớn với sự cam kết hỗ trợ về tài chính của các nhà tài trợ lớn quốc tế như Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Đan mạch (DANIDA).  

Tuy nhiên, là Tập đoàn có kinh nghiệm trên 30 năm đầu tư phát triển điện gió với hơn 44 nghìn cột tuabin gió trên khắp thế giới, đại diện VETAS cho rằng: nguyên nhân khiến Việt Nam mới chỉ khai thác được 5% tiềm năng sẵn có, còn 95% vẫn bỏ ngỏ là do giá mua điện gió vẫn thấp và không đảm bảo giúp nhà đầu tư thu hồi được vốn dự án. Bên cạnh đó, với cơ chế vẫn trợ cấp các dạng năng lượng khác như than và khí, điện gió với suất đầu tư cao thì khó lòng có thể cạnh tranh nổi. Đặc biệt, Việt Nam cũng vẫn thiếu các nghiên cứu về điện gió, nhất là các phân tích sâu về quy mô thị trường cũng như chưa có bản đồ về gió hay các bộ số liệu. Vì vậy, các nhà đầu tư không có được các số liệu chính xác để tính toán trước khi quyết định đầu tư. Ngoài ra, việc kết nối lưới từ các dự án điện gió với lưới quốc gia vẫn khó khăn, nhất là từ các dự án gió ở các đảo ngoài khơi.  

 Chỉ ra những khó khăn thực tế trong đầu tư điện gió tại Việt Nam, đại diện Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý, doanh nghiệp đang triển khai dự án điện gió tại Bạc Liêu có công suất 99,2 MW và là dự án điện gió lớn   nhất tại Việt Nam và khu vực Châu Á cho biết: Với suất đầu tư lên tới 2 triệu USD/1 MW, cao gấp đôi so với suất đầu tư thủy điện và chi phí đầu tư công nghệ tuabin gió chiếm từ 60-70% giá thành điện gió sản xuất, nhà đầu tư mang tiền đi gửi tiết kiệm sẽ còn thu được lợi nhuận cao hơn so với đầu tư điện gió. Trong khi đó, với giá mua điện gió được quy định là 7,8 cent Mỹ/kWh như hiện nay, Công Lý sẽ phải mất 13 năm mới có thể thu hồi vốn bỏ ra trong khi vòng đời dự án chỉ là 25 năm.  

Thừa nhận những bất cập trong phát triển điện gió hiện nay, ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo, Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương cho biết: Việt Nam có tiềm năng về điện gió nhưng số liệu cụ thể thì vẫn chưa thống nhất. Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì công bố là 1.785 MW, chênh rất lớn so với con số khoảng 452 MW của Ngân hàng Thế giới. Vì vậy, hiện Bộ Công Thương đang phải triển khai quy hoạch điện gió toàn quốc để đánh giá tiềm năng điện gió và đưa vào Quy hoạch Điện VII.  

Trong lĩnh vực điện gió, hiện có 33 nhà đầu tư với 37 dự án điện gió với tổng công suất dự kiến lên tới 4.296 MW có ý định đầu tư tại 9 tỉnh, thành phố ở miền Trung và miền Nam nhưng đến thời điểm này, Việt Nam chỉ có 30 MW công suất điện gió do giá thành sản xuất điện gió vẫn cao. Trong thời gian tới, với kỹ thuật phát triển, Việt Nam mong muốn giá thành sản xuất điện gió có thể rẻ hơn để có thể phát triển rộng rãi, ông Thực nhấn mạnh. 
 
*Phải có cơ chế hỗ trợ hiệu quả 

Đề xuất các giải pháp để thu hút đầu tư phát triển điện gió tại Việt Nam, ông Naveen Balachandran, Giám đốc VETAS khu vực nhấn mạnh: Nếu Chính phủ Việt Nam mạnh dạn nâng giá mua điện gió từ mức 7,8 cent Mỹ/kWh hiện nay lên 10-12 cent/kWh thì sẽ thu hút được đông đảo nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính và công nghệ vào phát triển điện gió. Với giá mua điện 7,8 cent/kWh như hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài không thể đảm bảo đủ hiệu quả đầu tư bởi nhà đầu tư nước ngoài chỉ được các định chế tài chính hỗ trợ vốn trong 1 - 4 năm đầu tiên, tùy vào từng dự án. Việc bãi bỏ cơ chế trợ cấp giá than, khí cũng như đơn giản hóa các quy định và thủ tục để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư cũng là việc cần làm. Đặc biệt, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu khảo sát tiềm năng gió để xây dựng được bộ số liệu chính xác giúp nhà đầu tư có được các quyết định phù hợp và VETAS sẵn sàng hỗ trợ cho các cuộc khảo sát này. Ngoài ra, việc tiếp  tục tìm kiếm các nguồn vốn khác nhau để phát triển điện gió cũng là công việc mà các cơ quan quản lý cần làm. 

Nếu hội tụ được các yếu tố này, điện gió sẽ phát triển tốt và mang lại các lợi ích lớn cho Việt Nam cũng như hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt với các dạng năng lượng khác để xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, ông Naveen Balachandran khẳng định.  

Hiện VETAS mới có 1 dự án điện gió hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có công suất 6 MW ở đảo Phú Quý, cung cấp điện sạch cho hàng nghìn hộ gia đình. Tuy nhiên, VETAS đã quyết định hợp tác với Công ty Công Lý để thực hiện kế hoạch phát triển năng lượng xanh tại Việt Nam ; trong đó tập trung nghiên cứu khả thi về tiềm năng gió thông qua cơ chế hỗ trợ của DANIDA. 

Khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng gió, ông Phạm Trọng Thực cho biết: Chính phủ đã có cơ chế mua toàn bộ sản lượng điện gió của các nhà đầu tư với mức giá 7,8 cent/kWh (chưa bao gồm VAT và được điều chỉnh theo tỷ giá ngoại tệ), cao hơn khá nhiều so với các dạng năng lượng khác. Thêm vào đó, Chính phủ cũng quyết định sản phẩm của dự án phát triển theo cơ sạch CDM như điện gió được trợ giá từ quỹ bảo vệ môi trường. Ngoài ra các dự án đầu tư phát triển điện gió còn nằm trong danh mục được hưởng ưu đãi tín dụng đầu tư của Nhà nước. Theo đó, Chính phủ miễn giảm thuế nhập khẩu với hàng hóa thiết bị phục vụ dự án mà trong nước chưa sản xuất được, thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 15 năm, có thể gia hạn trong 30 năm, miễn phí toàn bộ với tiền sử dụng đất và phí bảo vệ môi trường... 

Bộ Công Thương cũng chuẩn bị ban hành 2 văn bản quan trọng liên quan đến điện gió gồm: Quy hoạch phát triển điện gió và mẫu hợp đồng về mua bán điện gió với quy định đời dự án là 25 năm. Với 2 thông tư này, các nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư vào điện gió tại Việt Nam. Tuy nhiên, về lâu dài, giá mua điện gió cũng cần phải nâng lên, đồng thời giá bán điện cũng phải được thực hiện theo thị trường để đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả Nhà nước, nhà đầu tư và các hộ tiêu thụ, ông Thực nhấn mạnh. 

Theo Quy hoạch Phát triển Điện lực đã được phê duyệt, Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo (trong đó có điện gió), tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia từ mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% vào 2020 và 6% vào năm 2030. 

Theo Bộ TN-MT