Chủ nhật, 22/12/2024 | 13:12 GMT+7

Sử dụng hiệu quả năng lượng thông qua quản lý nhà nước

09/06/2012

Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ra đời chính là hành lang pháp lý, đánh dấu mốc quan trọng cho hoạt động tiết kiệm năng lượng của Việt Nam

Là quốc gia đang phát triển, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam tăng vọt trong những năm trở lại đây. Để đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã sớm có những chương trình hành động, hành lang pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Tháng 9/2003, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Nghị định về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng và giao Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối trong việc thi hành Nghị định này. Tháng 7/2004, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư qui định việc quản lý và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các Doanh nghiệp công nghiệp. Ngoài ra, các quy định  về tiết kiệm trong sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng điện đã được quy định trong nội dung Luật Điện lực đã được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 03/12/2004 .

80a2dd829_chinh_sach_1.jpg

Tháng 11/2005, Qui chuẩn về tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà thương mại đã được ban hành, với mục tiêu giảm thiểu thất thoát năng lượng và nâng cao tiện nghi cho điều kiện sống và làm việc. Tháng 11/2006 Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư qui định cụ thể trình tự đăng ký, đánh giá và cấp giấy chứng nhận nhãn tiết kiệm năng lượng.

Tháng 12/2007, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng cho giai đoạn tới năm 2020 tầm nhìn 2050 nhằm đảm bảo các mục tiêu  an ninh năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường.

Như vậy, chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và khuôn khổ pháp lý đã được hình thành tại Việt Nam.

Chương trình đầu tiên của Việt Nam về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng đã ra đời năm 1995. Chương trình này do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện. Mục tiêu là thu thập và xử lý thông tin nhằm đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng. Trên cơ sở nghiên cứu, một kế hoạch nhằm giảm tổng mức tiêu thụ năng lượng từ 8 tới 10 % và giảm phụ tải vào các giờ cao điểm đã được xây dựng song chưa được Chính phủ phê duyệt.

d6faa5fe2_chinh_sach_4.jpg

Chương trình quản lý và điều tiết cầu: Năm 2002, với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới và Cơ quan hợp tác quốc tế của Thụy Điển SIDA, Việt Nam đã triển khai chương trình quản lý và điều tiết cầu (DSM&EE, Demand side management & energy e| ciency), với ba mục tiêu: khuyến khích sử dụng hiệu quả điện, giảm phụ tải vào giờ cao điểm, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với điện. Ngoài ra, EVN cũng đã tổ chức các chiến dịch khuyến khích sử dụng đèn huỳnh quang tiết kiệm năng lượng.

Về phần mình, Bộ Công Thương cũng đã cho thử nghiệm các cơ chế nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt thông qua việc hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nhóm cung cấp dịch vụ thương mại.

Dự án chiếu sáng công cộng hiệu suất cao: được thực hiện với sự hỗ trợ tài chính của UNDP-GEF (United Nations Development Program – Global environment facility). Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao chất lượng chiếu sáng công cộng đồng thời giảm tốc độ tăng trưởng của tiêu thụ điện thông qua việc thay bóng đèn, thiết bị chiếu sáng và hệ thống điều khiển. Một hoạt động hỗ trợ kỹ thuật đã được triển khai. Song song với đó, các buổi trình diễn cũng đã được tổ chức.

4c4ba5144_chinh_sach_2.jpg

Khuyến khích sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (2005-2010). Dự án này cũng được thực hiện với sự hỗ trợ tài chính của UNDP-GEF. Mục tiêu là xóa bỏ các rào cản đối với tiết kiệm năng lượng trên cơ sở tăng cường khung thể chế, các hoạt động truyền thông và tài trợ. Bên cạnh đó, mục tiêu cũng là giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại các ngành công nghiệp đặc biệt tiêu thụ nhiều năng lượng như dệt may, gốm và sản xuất giấy.

Chương trình quốc gia về sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng (2006-2015): Năm 2006, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho giai đoạn 2006-2015, với mục tiêu tiết kiệm từ  3 tới 5 % lượng năng lượng tiêu thụ trong giai đoạn 2006-2010 và từ 5 tới 8 % trong giai đoạn 2011-2015. Các biện pháp được lựa chọn tiến hành là việc xây dựng các mô hình sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, phổ biến các thiết bị có hiệu quả năng lượng cao, áp dụng các Tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng cho các tòa nhà, giảm tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải.

7b4939ef7_luatsudung.jpg

Cụ thể, đã triển khai 11 dự án trên khắp cả nước trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Hoạt động của dự án hướng vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng; nâng cao nhận thức người dân; đưa khái niệm này vào trong chương trình giáo dục quốc gia; thực hiện các chiến dịch thông tin đại chúng ; áp dụng các chuẩn và nhãn mác tiết kiệm năng lượng cho các loại thiết bị; hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà cung cấp địa phương trong việc áp dụng tiêu chuẩn và nhãn mác; xây dựng các mô hình quản lý sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giảm lượng năng lượng  tiêu thụ; tăng cường năng lực nhằm đưa vấn đề tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng vào thiết kế các tòa nhà; phát triển các mô hình quản lý năng lượng trong các tòa nhà và nhân rộng các hoạt động thí điểm; giảm mức tiêu thụ năng lượng và khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong giao thông.

Chương trình được đánh giá tích cực do thể hiện một phương pháp tiếp cận tổng thể  từ cải cách thể chế cho tới thông tin truyền thông và tiến hành các biện pháp kỹ thuật. Chương trình này đã nhận được sự hỗ trợ quốc tế, đặc biệt là của Đan Mạch và Thụy Điển.
 
Kể từ khi các quyết định đầu tiên được đưa ra vào năm 2003, nhận thức của cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được nâng cao, thị trường cung cấp các dịch vụ, tư vấn về tiết kiệm năng lượng đã bắt đầu hình thành. Đặc biệt, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ra đời chính là hành lang pháp lý, đánh dấu mốc quan trọng cho hoạt động tiết kiệm  năng lượng của Việt Nam. Chính Phủ Việt Nam kỳ vọng, cùng với các chính sách năng lượng khác,  chính sách về sử dụng hiệu quả năng lượng sẽ là nhân tố quan trọng giúp Việt Nam đảm bao an ninh năng lượng cho phát triển đất nước.

Hùng Linh