Thứ bảy, 21/12/2024 | 21:50 GMT+7

Năm 2030 sẽ khai thác trên 75 triệu tấn than

29/02/2012

Để thực hiện các mục tiêu phát triển ngành Than đến năm 2020, dự kiến tổng vốn đầu tư cho ngành này khoảng hơn 317.000 tỉ đồng, tương đương 15 tỉ USD.

Để thực hiện các mục tiêu phát triển ngành Than đến năm 2020, dự kiến tổng vốn đầu tư cho ngành này khoảng hơn 317.000 tỉ đồng, tương đương 15 tỉ USD. Tính bình quân, mỗi năm ngành Than cần có hơn 35 nghìn tỉ đồng, tương đương 1,7 tỉ USD.

Đây là một trong những nội dung quan trọng được Bộ Công Thương công bố QĐ số 60/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.

Theo quy hoạch, về thăm dò than, bể than Đông Bắc đến năm 2015 hoàn thành thăm dò phần tài nguyên trữ lượng than thuộc phần trên mức -300m và một số khu vực dưới mức -300m và đến năm 2020 hoàn thành thăm dò đến đáy tầng than. Đây là bể than có trữ lượng khoảng 210 tỉ tấn nhưng nằm dưới khu dân cư, KCN, ruộng lúa ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng. Hiện tại, các bộ ngành liên quan chỉ xác định thăm dò một số diện tích nhất định để đến 2030 hoàn thành công tác thăm dò phần diện tích chứa than có điều kiện khai thác thuận lợi. Theo tính toán, từ nay đến 2020, bể than Đông Bắc cơ bản đáp ứng được mục tiêu khai thác, nhưng đến năm 2025, bể than Đông Bắc chỉ khai thác được cao nhất khoảng 65 triệu tấn, thiếu khoảng 10 triệu tấn so với chiến lược đề ra. Để bù đắp vào lượng than đó, bể than Sông Hồng sẽ được huy động và cũng khai thác ở mức 2 triệu tấn (2025) và có khả năng tăng lên 10 triệu tấn (2030). Tổng trữ lượng than tính đến ngày 1/1/2011 là 48,7 tỉ tấn, trong đó than đá là 48,4 tỉ tấn. Trữ lượng than huy động vào quy hoạch là 7,2 tỉ tấn. Sản lượng khai thác than tăng dần các năm, cụ thể 2012: 47 triệu, 2015: 58 triệu, 2020: 65 triệu, 2025: 70 triệu, 2030: 75 triệu.
5d070307e_khai_thac_than_o_cong_ty_than_coc_sau_in.jpg
Khai thác than ở Công ty Than Cọc Sáu

Để đáp ứng sản lượng than đó, bể than Đông Bắc sẽ hoạt động hết công suất với 61 mỏ đang hoạt động và dự kiến trong 20 năm tới sẽ có thêm 47 mỏ được đưa vào khai thác. Còn với bể than sông Hồng thì sẽ khai thác ở mức 3 triệu tấn/năm/mỏ vào năm 2020.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Phạm Mạnh Thắng: Việc đẩy mạnh sản xuất của ngành Than phải đảm bảo giữ nguyên diện tích 3,8 triệu ha lúa mà Chính phủ đã quy hoạch. Đồng thời phải đưa các giải pháp công nghệ tiên tiến để khai thác than, đảm bảo diện tích lúa và không gây ô nhiễm môi trường. Năm 2015, ngành Than phải nhập khẩu than với khối lượng 15 triệu tấn phục vụ cho các nhà máy điện. Đến năm 2020, nhu cầu than cho điện đạt mức 77 triệu tấn, trong nước chỉ đáp ứng được 29 triệu tấn, còn lại 48 triệu tấn phải nhập khẩu để duy trì hoạt động của các nhà máy điện.

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) là đầu mối để tìm nguồn than nhập khẩu. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương khuyến khích các nhà đầu tư trong nước mua mỏ than ở nước ngoài để chủ động sản lượng. Việc khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tự mua than cũng được tính đến và giải pháp có hiệu quả nhất là đàm phán hợp đồng dài hạn. Hiện Vinacomin phải chịu thiệt khi giá bán than cho điện chênh lệch đến 3.000 tỉ đồng, con số này đã đội lên gần 5.000 tỉ đồng năm 2011. Vì vậy, Vinacomin đã kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh giá bán than cho điện. Để khắc phục tình trạng thua lỗ khi ngành Than bán than cho ngành Điện, Vinacomin vẫn phải xuất khẩu than để bù lỗ. Năm 2011, lợi nhuận trước thuế của Vinacomin đạt hơn 8.000 tỉ đồng nhưng tổng mức đầu tư gấp 4 lần lợi nhuận. Và giải pháp xuất khẩu than để có ngoại tệ tái đầu tư ngành Than vẫn được duy trì.

Theo Đất Việt