Thứ ba, 07/05/2024 | 19:32 GMT+7

UNEP kêu gọi Châu Á tiến hành “cách mạng công nghiệp xanh”

23/09/2011

Bước vào thế kỷ 21, Châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành khu vực tiêu thụ tài nguyên nhiều nhất hành tinh. Mức tiêu thụ năng lượng tăng trung bình 3,9%/năm trong giai đoạn 1970-2005

Kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang phát triển vượt bậc, nhưng mô hình phát triển thiếu bền vững đã kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó những hệ lụy to lớn về môi trường.

Theo nhật báo Le Monde (Pháp), trong một báo cáo được công bố ngày 19/9, Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã chính thức kêu gọi các nước Châu Á tiến hành một “cuộc cách mạng công nghiệp xanh”.

9e74afb49_greenenergy1.jpg

Báo cáo kêu gọi các quốc gia vùng Châu Á-Thái Bình Dương nhanh chóng cải thiện việc sử dụng tài nguyên, cụ thể là phải giảm 80% mức tiêu thụ hiện tại thì nền kinh tế trong khu vực mới phát triển bền vững.

Theo báo cáo, trên phạm vi thế giới, việc sử dụng tài nguyên phục vụ cho phát triển kinh tế đã có xu hướng giảm dần về số lượng. Năm 1970, phải sử dụng đến 2,2 kg tài nguyên để có thể tạo ra 1 USD thu nhập cho nhà nước. Nhưng đến năm 2005, con số này đã tụt xuống còn 1,1 kg. Trong khi đó, ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đến năm 2005, con số này vẫn là 3,1 kg.

Bước vào thế kỷ 21, Châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành khu vực tiêu thụ tài nguyên nhiều nhất hành tinh. Mức tiêu thụ năng lượng tăng trung bình 3,9%/năm trong giai đoạn 1970-2005, trong khi mức tăng bình quân ở các khu vực khác chỉ có 1,4%. Trong vòng 35 năm, nhu cầu về than của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã tăng lên gấp 3 lần.

Theo báo cáo, sự gia tăng này là do tăng trưởng của nền kinh tế di chuyển từ các nước sử dụng năng lượng hiệu quả (như Nhật Bản) về phía các nước khác sử dụng năng lượng kém hiệu quả hơn (như Trung Quốc và Ấn Độ). Ước tính, trong năm 2005, chỉ riêng Trung Quốc đã sử dụng đến 60 % và Ấn Độ 20% tổng lượng tài nguyên được tiêu thụ trong khu vực.

Việc tiêu thụ quá mức này đã kéo theo hiện tượng khan hiếm các loại tài nguyên cơ bản. Ngoài hai nước đông dân nhất hành tinh nói trên, UNEP cũng cảnh báo hiện tượng khai thác tài nguyên nước một cách quá mức ở Uzbekistan, Turkmenistan và Tadjikistan.

Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận, diện tích đất nông nghiệp tại Châu Á đã tăng 6% trong giai đoạn 1970-2007, trong khi ở những nơi khác chỉ tăng có 1%.

Theo Tamnhin.net