Thứ bảy, 21/12/2024 | 20:02 GMT+7

Triển vọng điện gió từ biển Cần Giờ

02/09/2011

Dự kiến dự án này sẽ thí điểm tại Cần Giờ, với hai tổ hợp điện gió, tổng số tiền đầu tư khoảng 60 tỉ đồng. Ông Phan Minh Tân, giám đốc sở Khoa học và công nghệ TP.HCM, cho biết: theo bản đồ tốc độ gió tại Cần Giờ, tốc độ gió khoảng 6 – 7m/s, dù thấp hơn tốc độ gió tại Bình Thuận nhưng công nghệ này hoàn toàn có thể ứng dụng được.

TP.HCM sẽ liên kết với Liên bang Nga bước đầu thí điểm mô hình năng lượng gió theo công nghệ mới, có giá thành rẻ hơn tới 50% so năng lượng gió hiện nay, và có thể thay thế cho thuỷ điện.

8f45fcf04_diengio.jpg

Tuabin gió công suất 1,5MW ở Bình Thuận

Thưa ông, công nghệ năng lượng gió YnS-V là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Nga, nhưng hiện tại chưa được ứng dụng trong thực tế trên thế giới, kể cả Nga. Vậy dựa vào cơ sở nào mà sở Khoa học và công nghệ cho rằng công nghệ này ưu việt hơn hẳn so với công nghệ năng lượng gió hiện nay?

- Chúng tôi dựa vào các thử nghiệm, tính toán nhiều năm qua của các nhà khoa học Nga, chúng tôi cũng đã nghiên cứu các công nghệ năng lượng gió hiện nay trên thế giới. Năng lượng gió YnS-V đã được cấp bằng phát minh sáng chế.

Có thể kể một số ưu điểm nổi bật: quy trình công nghệ hiệu quả được sử dụng trong chế tạo các cánh quay trực thăng, nên các chất lượng hoạt động trên không linh hoạt cho phép tận dụng tối đa năng lượng gió; máy hoạt động cả trong điều kiện gió yếu; so với các loại máy phát điện khác thì trọng lượng của loạt máy YnS-V nhẹ hơn, thời điểm ỳ máy xoay chuyển không đáng kể.

Đặc biệt nhất là các máy phát điện điển hình bằng năng lượng gió hiện nay có khuyết điểm là tạo ra hạ âm, gây ảnh hưởng đến thần kinh, tâm lý con người. Vì vậy, ở những khu vực có năng lượng gió hiện nay, chim, dơi không sống nổi. Nhưng thử nghiệm cho thấy, năng lượng gió YnS-V không tạo ra hạ âm này.

Cũng theo tính toán, với máy phát điển hình chạy bằng sức gió trên thế giới hiện nay thì mức tiêu thụ năng lượng hàng năm có vận tốc trung bình năm của gió là 4,8m/s trên trái đất là khoảng 2,5 triệu kWh, còn với YnS-V là gần 5 triệu KWh.

Giá thành năng lượng công nghệ YnS-Y cũng rẻ hơn tới 50% so với giá thành năng lượng gió hiện nay, thời gian thu hồi vốn đầu tư của YnS-V chỉ trong vòng bốn năm, còn với công nghệ năng lượng gió hiện nay phải mất mười năm. Đầu tư cho YnS-Y cũng rẻ hơn so với thuỷ điện (giá thành điện từ thuỷ điện hiện nay khoảng 2,2 USD/W, còn với YnS-Y chỉ khoảng 1,5 USD/W), lại không phá vỡ môi trường, sinh thái, không gây hạn hán, lũ lụt như thuỷ điện…

Thành phố có đủ nhân lực và năng lực để Việt Nam hoá công nghệ nước ngoài, cụ thể là YnS-V không, thưa ông?

- Chắc chắn phải được, đây cũng là trách nhiệm của chúng tôi. Sở Khoa học và công nghệ và tổng công ty Điện lực thành phố sẽ phối hợp làm thí điểm dự án này với các nhà khoa học của Nga, theo đó, ban đầu một số thiết bị phải sản xuất từ Nga do Việt Nam chưa đủ điều kiện sản xuất như: động cơ, cánh quạt, sau đó bên Nga từ từ sẽ chuyển giao công nghệ về Việt Nam. Nếu thiết bị sản xuất ở Việt Nam, giá thành sẽ còn rẻ hơn nữa so với tính toán hiện nay.

Tôi cho rằng, nếu chúng ta nhanh chóng tiếp cận công nghệ này thì thành phố sẽ đi trước một bước trong công nghệ sạch. Thông qua dự án này, thành phố sẽ nắm bắt được công nghệ nguồn, ước tính chỉ khoảng sau một năm rưỡi nữa, nếu dự án được triển khai đúng tiến độ. Điều nữa, trước đây người ta nghĩ TP.HCM là nơi tiêu thụ điện, nhưng qua dự án này, thành phố mình sẽ còn là nơi sản xuất điện, lại là điện sạch, có thể bán công nghệ cho các nơi khác.

Theo Sài Gòn Tiếp thị