1. Một số kết quả triển khai hoạt động tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam
Những năm đầu của thế kỷ 21, trong bối cảnh Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng do sự tăng cao của giá dầu thế giới, sự giảm sút của các nguồn thuỷ điện do thời tiết bất lợi cũng như sự khai thác và sử dụng thiếu hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp của quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Chương trình mục tiêu) giai đoạn 2006-2010 đã được xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt nhằm thúc đẩy sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả nguồn năng lượng có hạn của quốc gia cho mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Chương trình mục tiêu này cũng được lồng ghép với các dự án tiết kiệm năng lượng do các tổ chức quốc tế tài trợ nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA cũng như kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng thực tế tại Việt Nam. Văn phòng Tiết kiệm năng lượng quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương đã được thành lập và chịu trách nhiệm điều phối toàn bộ các hoạt động của Chương trình mục tiêu trên phạm vi tòan quốc. Tới năm 2012, giai đoạn II của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được phê duyệt trong bối cảnh gắn liền với mục tiêu thúc đẩy Tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Đây là sự tiếp nối của của Chương trình ở giai đoạn 2006 - 2010 nhưng đặt ra mục tiêu cao hơn, cùng với sự tham gia nhiều hơn của các cơ quan liên quan và các địa phương trong cả nước.
Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 - 2010 được thiết kế bao gồm 6 nhóm nội dung và 11 đề án lớn tập trung trên trên toàn bộ các lĩnh vực tiêu thụ năng lượng, được phân chia theo 7 lĩnh vực chính là: (i) Xây dựng Thể chế; (ii) Nâng cao Nhận thức và năng lực; (iii) Thiết bị hiệu suất cao; (iv) Kiểm toán năng lượng; (v) Các chương trình thí điểm; (vi) Mô hình quản lý năng lượng và (vii) Hỗ trợ tài chính cho khách hàng. Mục tiêu của Chương trình là giảm từ 3-5% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại trong giai đoạn 2006-2010.
Kết quả đánh giá cho thấy mức tiết kiệm thực tế đạt được là 3,4%, tương đương với 3.733 KTOE.
Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 - 2015 (VNEEP 2) được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2012. Chương trình đặt mục tiêu tiết kiệm từ 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước trong giai đoạn 2012-2015 so với dự báo nhu cầu năng lượng theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tương đương từ 11 - 17 triệu TOE trong giai đoạn 2012 - 2015. Chương trình còn đặt ra một số chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng cho một số ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng, cụ thể như sau:
- Giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân để sản xuất 01 tấn xi măng từ 97 kgOE năm 2011 xuống còn 87 kgOE vào năm 2015;
- Giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân để sản xuất 01 tấn thép thành phẩm từ mức 179 kgOE năm 2011 xuống còn 160 kgOE vào năm 2015;
- Giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân để sản xuất 01 tấn sợi năm 2011 là 773 kgOE xuống còn 695 kgOE vào năm 2015.
Kết quả đánh giá cho thấy mức tiết kiệm thực tế đạt được là 5,65%, tương đương với 10.610 KTOE.
2. Tình hình sử dụng năng lượng trong công nghiệp
Công nghiệp hiện đang là lĩnh vực tiêu thụ năng lượng lớn nhất, chiếm 43,4% tổng tiêu thụ năm 2015. Nhiều nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, cường độ năng lượng của một phân ngành công nghiệp và cả suất tiêu hao nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm của Việt Nam còn cao so với mức tiên tiến của thế giới. Với nhận định như vậy, tính toán theo Kịch bản cơ sở đã xác định được tiềm năng tiết kiệm năng lượng của khu vực Công nghiệp đến mức cho Phân ngành. Kết quả tính toán cho thấy, tỷ lệ năng lượng tiết giảm so với năng lượng tiêu thụ, đã bao gồm năng lượng phi thương mại, ở kịch bản cơ sở sẽ là 2,3%, 4,1%, 5,9% và 8,6% tương ứng ở các năm 2020, 2025, 2030 và 2035.
Dự báo nhu cầu Sử dụng – Tiết kiệm năng lượng khu vực Công nghiệp (đơn vị: KTOE)
Kết quả đánh giá cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượngtương đối cao với tỷ lệ tiết kiệm năng lượng 5,3%, 9,1%, 12,4% và 16,0% trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng theo Kịch bản cơ sở vào các năm 2020, 2025, 2030 và 2035.
Tổng hợp kết quả dự báo mức tiết kiệm năng lượng (đơn vị KTOE)
3. Kịch bản nỗ lực tối đa sử dụng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính bằng Công cụ 2050 Calculator4NDCs
Để tiếp nối thành công của các chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và góp phần mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-QĐ-TTg ban hành Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, theo đó mục tiêu của Chương trình xác định:
- Đến năm 2025:
Giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015 - 2018, cụ thể: (i) Đối với công nghiệp thép: từ 3,00 đến 10,00% tùy loại sản phẩm và công nghệ sản xuất; (ii) Đối với công nghiệp hóa chất: tối thiểu 7,00%; (iii) Đối với công nghiệp sản xuất nhựa: từ 18,00 đến 22,46%; (iv) Đối với công nghiệp xi măng: tối thiểu 7,50%; (vi) Đối với công nghiệp dệt may: tối thiểu 5,00%; (vii) Đối với công nghiệp rượu, bia và nước giải khát: từ 3,00 đến 6,88% tùy vào loại sản phẩm, quy mô sản xuất; (viii) Đối với công nghiệp giấy: từ 8,00 đến 15,80% tùy từng loại sản phẩm và quy mô sản xuất;
- Giai đoạn đến năm 2030
+ Đạt mức tiết kiệm từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030;
+ Giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,0%;
+ Giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015 - 2018, cụ thể: (i) Đối với công nghiệp thép: từ 5,00 đến 16,50% tùy loại sản phẩm và công nghệ sản xuất; (ii) Đối với công nghiệp hóa chất: tối thiểu 10,00%; (iii) Đối với công nghiệp sản xuất nhựa: từ 21,55 đến 24,81%; (iv) Đối với công nghiệp xi măng: tối thiểu 10,89%; (v) Đối với công nghiệp dệt may: tối thiểu 6,80%; (vi) Đối với công nghiệp rượu, bia và nước giải khát: từ 4,6 đến 8,44% tùy vào loại sản phẩm, quy mô sản xuất; (vii) Đối với công nghiệp giấy: từ 9,90 đến 18,48% tùy từng loại sản phẩm và quy mô sản xuất;
Với mục tiêu của Chương trình đặt ra nêu trên, câu hỏi về mức giảm phát thải khí nhà kính như thế nào khi mức độ đạt mục tiêu khác nhau. 2050 Calculator4NDCs phiên bản cập nhật đã chỉ ra như sau:
Kịch bản 1. Các ngành công nghiệp chưa có nỗ lực áp dụng các giải pháp về tiết kiệm năng lượng, khi đó mức tiêu thụ năng lượng và mức phát thải khí nhà kính tương ứng thể hiện ở Hình 1, trong đó tiêu thụ năng lượng vào năm 2030, 2040 sẽ tương ứng 880 và 1323 TWh/năm và tương ứng ứng với mức phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực công nghiệp sẽ là 157 và 226 triệu tấn CO2 tương đương (Hình 2)
Hình 1. Mức tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp theo kịch bản BAU
Hình 2. Phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực công nghiệp theo kịch bản BAU
Kịch bản 2. Các ngành công nghiệp nỗ lực tối đa triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tương ứng là mức đóng góp giảm phát thải khí nhà kính của các ngành công nghiệp. Theo đó, mức tiêu thụ năng lượng giảm từ 880 KWh/năm xuống còn 718 KWh/năm vào năm 2030 và giảm từ 1323 KWh/năm xuống còn 1002 KWh/năm vào năm 2040. Đây là mức đóng góp đáng kể cho mục tiêu tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp.
Hình 3. Kịch bản hiệu quả sử dụng năng lượng đạt được ở mức cao nhất
Hình 4. Mức giảm phát thải khí nhà kính tương ứng kịch bản tiết kiệm năng lượng cao nhất
Với kịch bản tiết kiệm năng lượng ở mức cao nhất đã đem lại kết giảm mức phát thải khí nhà kính của lĩnh vực công nghiệp từ 157 triệu tấn CO2 tương đương xuống còn 106 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030 và từ 226 xuống còn 141 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2040.
Tóm lại, sử dụng công cụ 2050 Calculator4NDCs có thể lựa chọn nhiều kịch bản về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của từng tiểu ngành công nghiệp để đánh giá khả năng đóng góp giảm phát thải khí nhà kính tương ứng. Tùy theo từng bối cảnh, điều kiện cụ thể của từng ngành công nghiệp, chúng ta có thể sử dụng linh hoạt và xác định được lộ trình, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính thông qua các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả./.
TS Nguyễn Quốc Khánh – Chuyên gia mô hình 2050 Calculator