Công cụ 2050 Calculator được xây dựng trong bối cảnh UK đặt mục tiêu giảm 80% giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2050 so với mức phát thải năm 1990. Tại thời điểm cam kết trước Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, UK là một trong những quốc gia tiên phong đưa ra các mục tiêu rất tham vọng về ứng phó với biến đổi khí hậu. Với mục tiêu giảm 80% nêu trên, UK đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan bộ ngành, các thành phần kinh tế có những nỗ lực cao nhất để đạt mục tiêu khí hậu quốc gia như đã cam kết. Và Công cụ 2050 Calculator đã ra đời và bước đầu đã vẽ ra bức tranh về mục tiêu, lộ trình và bài toán chi phí, lợi ích của các nỗ lực giảm phát thải trong các ngành kinh tế, trong đó Công cụ đã giúp các cơ quan quản lý của UK trả lời những câu hỏi sau:
1) Có thể sử dụng công nghệ nào để giải quyết nguồn cung năng lượng quốc gia?
2) Nhu cầu sử dụng năng lượng của các ngành là bao nhiêu?
3) Chi phí cho các kịch bản lựa chọn để phát triển?
4) Ngành/lĩnh vực nào cần quan tâm, tâp trung các nhiệm vụ giải pháp để đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia?
5) Đất nước có thể đạt được mục tiêu đặt ra hay không?
6) Khả năng độc lập về năng lượng và an ninh năng lượng quốc gia khi thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính?
7) Sự đồng thuận của xã hội với mục tiêu quốc gia?
Theo đánh giá của các chuyên gia UK và thực tế áp dụng, công cụ 2050 Calculator đã được sử dụng rộng rãi tại các bộ ngành có liên quan của Vương quốc Anh trong quá trình xác lập các mục tiêu cam kết mới về biến đổi khí hậu đồng thời tạo công cụ sử dụng chung cho toàn xã hội. Với kết quả đạt được, thông qua chương trình hỗ trợ toàn cầu của Chính phủ Anh, từ năm 2012 Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu Vương quốc Anh (DECC) nay là Bộ Công Thương Vương quốc Anh (BEIS) đã tiến hành đào tạo, chuyển giao Công cụ 2050 Calculator cho nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đến nay, phiên bản 2050 Calculator của Việt Nam đã được phát triển, nâng cấp và hoàn thiện đến lần thứ 3 với tên gọi “Vietnam 2050 Calculator4NDCs”.
Năm 2014, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp Bộ Công Thương được giao là cơ quan đầu mối chủ trì tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật xây dựng phiên bản đầu tiên cho Việt Nam. Sau 01 tuần đào tạo và chuyển giao từ chuyên gia của Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu Vương quốc Anh, đội ngũ chuyên gia của Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt nguyên lý, cấu trúc phiên bản gốc của UK. Với sự hỗ trợ của chuyên gia DECC, phiên bản Calculator 2050 của Việt Nam đã hoàn thành và công bố lần đầu tiên vào tháng 1 năm 2015. Thành công lớn nhất của phiên bản năm 2015 là đội ngũ chuyên gia trong nước đã nắm bắt thành công phương pháp và kỹ thuật xây dựng công cụ và làm nền tảng cho việc phát triển nâng cấp các phiên bản sau này.
Năm 2016, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp tiếp tục được giao chủ trì, phối hợp với Đại sứ Quán Anh tại Hà Nội, Bộ Công Thương Vương quốc Anh tiếp tục nâng cấp Công cụ 2050 của Việt Nam để cập nhật các chính sách năng lượng, công nghiệp của ngành để làm mới Công cụ sát với tình hình thực tế. Đồng thời, xây dựng và triển khai áp dụng Công cụ này cho cấp địa phương, lấy Thành phố Đà Nẵng là địa phương thí điểm áp dụng.
Trong quá trình xây dựng, cập nhật và khai thác, các chuyên gia của Bộ Công Thương đã sử dụng công cụ 2050 Calculator, phối hợp với chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng Dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định (iNDC) và NDCs cập nhật năm 2020. Với cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam đến năm 2030, lĩnh vực năng lượng được đánh giá có tỷ lệ phát thải khí nhà kính chiếm đến trên 70% tổng phát thải quốc gia. Do đó, việc xây dựng các kịch bản phát triển ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia là nhu cầu cấp thiết để các bên có liên quan cùng xem xét trong bối cảnh tổng thể của các ngành lĩnh vực của nền kinh tế. Xuất phát từ nhu cầu đó, phiên bản 2050 Calculator4NDCs tiếp tục được cập nhật, nâng cấp và hoàn thành vào tháng 6 năm 2022.
Điểm mới nổi bật trong phiên bản 2050 Calculator4NDCs là đã xây dựng và bổ sung phân tích các giải pháp và sự đóng góp của các tiểu ngành công nghiệp, năng lượng đối với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho lĩnh vực năng lượng bao gồm các tiểu ngành như xi măng, giấy, thép, hóa chất, dệt may, chế biến gỗ, nhựa, bia rượu nước giải khát, sản xuất phân bón, chế biến thủy sản, thuốc lá, gạch ngói,…Trong đó, công cụ đã xây dựng kịch bản đóng góp giảm phát thải của từng tiểu ngành theo 4 cấp độ khác nhau. Đây là lần đầu tiên và cũng là phiên bản duy nhất tạo ra sự khác biệt này.
Hình1. Giao diện của phiên bản 2050 Calculator4NDCs
Ngoài ra, tại phiên bản lần này, các tính toán mức đóng góp giảm phát thải khí nhà kính từ nguồn cung năng lượng quốc gia cũng được xem xét, tính toán trên cơ sở Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến 2030 phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các kịch bản tính toán trong quá trình xây dựng dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.
Để phục vụ quá trình xây dựng các phương án kịch bản giảm phát thải mang tính khả thi của lĩnh vực năng lượng, Công cụ lần này đã hoàn chỉnh mô đun tính toán chi phí cho từng giải pháp ứng dụng cho các ngành thuộc lĩnh vực năng lượng.
Hình 2. Giao diện mô đun tính chi phí của công cụ 2050 Calculator4NDC
Đặc biệt, công cụ 2050 Calculator đã trình diễn bức tranh về cân bằng nguồn cung năng lượng điện và nhu cầu của các ngành kinh tế, nội dung quan trọng của thiết lập các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho ngành năng lượng. Thông qua thẻ giao diện phần điện năng, chúng ta có thể điều chỉnh tác động của các phần cung và cầu theo các kịch bản khác nhau, tương ứng với các lựa chọn thì tác động về tăng giảm phát thải khí nhà kính sẽ thể hiện một cách rõ rệt.
Hình 3. Bảng cân bằng cung-cầu điện theo kịch bản BAU và lựa chọn thảm theo kịch bản giảm tối đa điện than và tăng tối đa điện gió ngoài khơi
Với giả định về các kịch bản phát triển trong lĩnh vực năng lượng, thẻ an ninh năng lượng cũng đặt ra các giả định ở tầm nhìn 2050. Với kịch bản lựa chọn phát triển nguồn cung như cơ cấu tỷ lệ nhiệt điện than, khí và các nguồn năng lượng khác như thủy điện, điện gió, mặt trời, sinh khối và các kịch bản điều chỉnh nhu cầu năng lượng từ các ngành kinh tế thông qua các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả thì các chỉ số an ninh năng lượng sẽ thể hiện các mức độ khác nhau.
Hình 4. Sự thay đổi tỷ lệ năng lượng nhập khẩu theo kịch bản thông thường và kịch bản thay đổi nguồn cung theo hướng nâng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo và giảm dần nhiệt điện than.
Kết luận
Công cụ 2050 Calculatorr4NDCs được xây dựng và hoàn thành các nội dung cơ bản về cấu trúc cơ sở dữ liệu, nền tảng cơ chế chính sách năng lượng Việt Nam theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền đối với giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn 2030 và các dự thảo chính sách phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, gắn với các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam tại Hội nghị COP21 ở Paris. Công cụ đã được nâng cập và cập nhật kịch bản nỗ lực của cả nguồn cung và cầu năng lượng một cách chi tiết, với lần đầu tiên chi tiết hóa cho các tiểu ngành công nghiệp có tiềm năng đóng góp mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia.
Tuy nhiên, công cụ này hoàn thành trước thời điểm các quyết định quan trọng về phát triển điện lực và năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cũng như các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 năm 2021 tại Glassgowth, UK. Do đó, cơ sở dữ liệu và số liệu minh họa chưa được cập nhật theo các tính toán mới nhất của Việt Nam đối với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nguyễn Quốc Khánh - Chuyên gia dự án 2050 Calculator