Thứ hai, 23/12/2024 | 12:11 GMT+7
Sử dụng kính có tính năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) đang là xu hướng xây dựng khá phổ biến đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, kính TKNL vẫn còn là khái niệm mới, chưa nhiều người quan tâm song, theo đánh giá của các chuyên gia ngành Xây dựng, kính TKNL chính là giải pháp xanh cho những công trình hiện đại.
Thực tế cho thấy, VLXD góp phần rất lớn trong TKNL bởi khả năng cách nhiệt, phản nhiệt giúp cho con người sống, làm việc trong điều kiện mát hơn khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, ấm hơn khi điều kiện khí hậu ngược lại, từ đó làm giảm chi phí điện năng cho việc làm mát và sưởi ấm. Bên cạnh khả năng cách âm, khả năng xuyên sáng của vật liệu, chủ yếu là các loại kính cách nhiệt, kính Low- E… vừa giúp cho việc sử dụng ánh sáng điện, vừa cải thiện điều kiện sống cũng như TKNL.
Ông Nguyễn Quang Cung, Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho biết: Xu hướng sử dụng kính TKNL là lời giải cho bài toán tiết kiệm điện năng cho công trình, bảo vệ sức khỏe người sử dụng và cũng là lời giải cho hiệu quả trong đầu tư.
Tại Việt Nam, cũng đã có một số tòa nhà sử dụng kính TKNL như tòa nhà Vincom Center tại TP HCM, sử dụng kính hộp 2 lớp có phủ Low-E tại trụ sở Bộ Công an…
Hay như gần đây, tòa nhà Thăng Long Number One của Viglacera với toàn bộ vách kính mặt ngoài của tòa nhà sử dụng hộp kính Low-E dày 24mm phát xạ nhiệt chậm mà vẫn đón được ánh sáng tự nhiên. Đây là công trình đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận “công trình xanh”.
Tòa nhà Thăng Long Number One của Viglacera là công trình đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận “công trình xanh”.
Nhiều DN cũng đã tìm hiểu về loại kính TKNL này, tuy nhiên hiện nay mới chỉ có Viglacera là DN tiên phong trong đầu tư Dự án “Dây chuyền sản xuất kính TKNL”.
Với ưu thế vượt trội về công nghệ và dẫn đầu trong ngành sản xuất VLXD, cùng thế mạnh có 3 đơn vị sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực kính và thủy tinh (lớn nhất là Công ty Kính nổi Viglacera tại Bình Dương với công nghệ sản xuất kính nổi tiên tiến nhất hiện nay), trong năm 2015, Viglacera đã khởi động dự án kính TKNL đầu tiên tại Việt Nam với hai loại kính là Solar Control và kính Low-E đáp ứng được cả hai loại khí hậu nóng và lạnh.
Dự kiến tháng 10/2016 sẽ đi vào hoạt động, cho ra lò mẻ kính TKNL đầu tiên cung cấp cho thị trường Việt Nam với công nghệ phủ màng mỏng phún xạ trong môi trường chân không (PVD) - công nghệ sản xuất kính TKNL hiện đại nhất thế giới.
Là DN đầu tiên tại Việt Nam thực hiện đầu tư sản xuất kính xây dựng từ những năm đầu của thập niên 90 với Nhà máy Kính Đáp Cầu Viglacera, năm 1994, TCty Viglacera đã hợp tác liên doanh với đối tác Nhật Bản thực hiện đầu tư nhà máy sản xuất kính nổi đầu tiên tại Bắc Ninh.
Năm 2002, TCty Viglacera đã tiếp tục đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy kính nổi Viglacera tại Bình Dương. Đây là nhà máy kính nổi đầu tiên do DN trong nước thực hiện đầu tư và vận hành.
Các sản phẩm kính Viglacera gồm kính nổi, kính cán hoa văn, các sản phẩm sau kính như kính tôi, kính in hoa, kính dán và kính mosaic, gương (gương nhôm, gương tráng bạc), trong đó kính nổi chiếm tỉ lệ lớn nhất và cũng là sản phẩm được sử dụng làm phôi cho sản xuất các sản phẩm sau kính.
Trong định hướng chiến lược sản phẩm kính xây dựng, Viglacera có kế hoạch đầu tư chiều sâu với công nghệ cao để đa dạng hóa sản phẩm như sản xuất các sản phẩm kính Low-E, kính siêu trắng. Hiện các sản phẩm kính mang thương hiệu Viglacera đã và đang khẳng định vị thế tại thị trường nội địa và đang hướng tới các thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có đủ điều kiện để tiếp cận loại kính TKNL bởi trên thực tế, chi phí đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất khá lớn, sản phẩm sản xuất ra sẽ có giá thành cao trong khi, các tòa nhà chung cư và trung tâm thương mại có mức tiêu thụ năng lượng lớn, song các chủ đầu tư hầu như không quan tâm đến các giải pháp tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.
Chưa kể sự thiếu tin tưởng vào các sản phẩm, thiết bị tiết kiệm năng lượng; sự hạn chế về chủng loại, chất lượng và phân phối, cung cấp sản phẩm, thiết bị TKNL cũng gây khó khăn cho người tiếp cận.
Với chi phí đầu tư ban đầu cao, để kính TKNL nhanh chóng phổ biến, một số ý kiến cho rằng, các cơ quan nhà nước cần có những quy định cụ thể nhằm định hướng cho DN, cũng như hỗ trợ DN trong quá trình triển khai.
Bên cạnh đó, DN cũng cần chủ động, mạnh dạn đầu tư để hướng đến tương lai phát triển bền vững, vừa cung cấp đủ nhu cầu sản phẩm kính TKNL trong nước, vừa từng bước xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, như Viglacera đã và đang làm với sản phẩm của mình bằng sự hiện diện tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo Báo Xây Dựng