Thứ bảy, 23/11/2024 | 08:50 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng kiểu Nhật

27/06/2010

Là một quốc đảo hoàn toàn không có nguồn dầu mỏ nhưng Nhật Bản đã hé mở cho chúng ta một tương lai về việc sử dụng nguồn năng lượng của thế giới, khi sự cạn kiệt của những nguồn tài nguyên dầu mỏ đã tới mức không còn duy trì bền vững và việc sử dụng nhiên liệu thay thế là cách lựa chọn duy nhất.

Sau gần 10 năm kể từ ngày diễn ra cuộc họp thượng đỉnh cấp cao về vấn đề nóng lên toàn cầu diễn ra tại Kyoto, Nhật Bản vẫn khẳng định vai trò đi đầu của mình trong việc cắt giảm khí thải cácbon. Theo Cơ quan năng lượng quốc tế, sự tiêu dùng năng lượng của Nhật Bản trên tỉ lệ phần trăm tổng thu nhập quốc dân thuộc vào hàng thấp nhất thế giới.

tdn3.jpg

Tàu điện ngầm - một trong những phương tiện giao thông chủ yếu của người Nhật


Mặc dù vậy, đất nước này vẫn xoay sở để hạ thấp nhu cầu sử dụng năng lượng, đồng thời đảm bảo không ảnh hưởng đến toàn xã hội. Việc tiêu dùng năng lượng tính theo đầu người ở Nhật Bản gần bằng một nửa của Mỹ, nhưng thu nhập theo đầu người ở hai nước là gần như nhau. Do đó, nếu cho rằng nguyên nhân là do sự thịnh vượng thì không thể thanh minh cho việc Mỹ tiêu tốn nhiều năng lượng đến vậy.

Nền kinh tế của nước Nhật vẫn duy trì ở vị trí thứ hai trên thế giới. Những tòa cao ốc và khu mua sắm luôn đổi mới và gắn liền với nhau. Khả năng đổi mới và kỹ thuật thiết kế đã giữ cho Nhật luôn là một quốc gia đi đầu trong lĩnh vực cải tiến vật dụng, chẳng hạn như sáng chế ra điện thoại di động có bản đồ GPS, đồ chơi sản xuất theo công nghệ cao, nhà vệ sinh thông minh chạy bằng điện...

Điều gì đã đem lại cho người Nhật khả năng sáng tạo ấy? Một phần chính là do người Nhật đã tìm ra cách sử dụng năng lượng thật tiết kiệm. Dòng xe Hybrid của Toyota và Honda là những ví dụ rõ rệt nhất. Trên thế giới , bốn trong năm nhà sản xuất tấm năng lượng mặt trời lớn nhất là của Nhật, trong đó hãng Sanyo chiếm 24% thị trường. Cơ quan năng lượng mới và Tổ chức phát triển ứng dụng khoa học công nghệ (NEDO) hiện đang thử nghiệm những tấm năng lượng mặt trời mỏng, di động, có thể mang chúng theo để sạc lại pin điện thoại di động khi đang đi trên đường.

“Đây là vấn đềvề đạo đức”, Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản, ông Masatoshi Wakabayashi cho biết. Ông lý giải thêm: “Tôi nghĩ, chúng ta đang nhận được những thông điệp của mẹ Trái đất trong cơn khủng hoảng. Chúng ta cùng có ý thức chung về điều này”.

Thực vậy, người Nhật vốn nổi tiếng về tính tuân thủ, nay điều đó trở thành một lợi thế. Trong một chuyến đi được tài trợ bởi Trung tâm báo chí nước ngoài của Nhật, tác giả bài viết đã nhìn thấy một xã hội mà sự hiểu biết của họ về hạn chế nhập khẩu năng lượng đã ăn sâu trong nếp sống và suy nghĩ của người dân.

Các nhà kinh doanh luôn chú ý để riêng khay đựng bữa trưa của mình để phục vụ cho việc tái chế. Tái chế rác sinh hoạt là điều hết sức nghiêm ngặt, với ít nhất là 10 phân loại, bao gồm những vật dụng nhỏ bằng kim loại, rác thải cồng kềnh, vải đã qua sử dụng và đũa. Láng giềng xung quanh sẽ rất khó chịu nếu những rác thải phân loại đặt sai vị trí trong các thùng rác.


Nhà cửa, xe hơi, các dụng cụ ở Nhật nhỏ hơn rất nhiều so với ở Mỹ, nhưng được thiết kế tốt hơn. Ngay cả xe tải giao hàng cũng không to hơn loại xe cỡ trung bình ở ngoại ô. Ở đây có một chiến dịch đang được thực hiện, được gọi bằng cái tên “watashi nohashi” ( tạm dịch là “những chiếc đũa của tôi“), khuyến khích người dân tự mang theo đũa vào nhà hàng để giảm việc tiêu phí đũa sau khi dùng.

Giao thông vận tải ở Nhật chiếm khoảng 20 % khí CO2 (lớn thứ 5 trên thế giới) nhưng xăng dầu bị đánh thuế rất nặng, mỗi gallon khoảng 4,5 đôla. Do đó, phương tiện vừa nhanh, rẻ tiền lại sạch sẽ chính là tàu điện ngầm (giá vé chỉ khoảng 1,5 đôla mà thôi ), và thời gian thì chính xác như quân đội vậy.

Tàu siêu tốc Shinkansen đường dài, mặc dù khá đắt, nhưng vẫn được ưa chuộng vì hiệu quả và rẻ hơn so với đường không, đặc biệt là đối với giới kinh doanh. Tại các nhà ga, nhân viên đón chào hành khách và đứng giống như lính gác, giữ những túi lớn phân loại rác cho hành khách vứt rác thải vào.

Ở Nhật có vô số những chiến dịch vận động của Chính phủ nhằm khuyến khích bảo tồn năng lượng. Chẳng hạn như khấu trừ thuế cho các khách hàng mua thiết bị và xe hơi sản xuất từ “công nghệ xanh”, trao danh hiệu “Hãng chạy nhanh nhất” cho những công ty chú ý đến việc bảo vệ môi trường, chiến dịch “Kinh doanh nóng” và “Kinh doanh lạnh” cho phép cởi những bộ vét tông lịch thiệp của các doanh nhân để giữ điều hòa không khí trong văn phòng không lạnh hơn 68 độ F; và đặc biệt là trao danh hiệu “nhóm trừ đi 6%” cho những công dân tham gia vào việc giúp nước Nhật đạt được mục tiêu Kyoto giảm bớt 6% khí thải nhà kính mỗi năm, trên con đường tiến tới mục tiêu giảm 20% so với 1999.

Bộ trưởng Wakabayashi nói rằng, 1,8 triệu công dân Nhật đã và đang cam kết thực hiện 6 bước trong việc đạt tới mục tiêu trên, đơn giản nhất là bắt đầu từ việc tắt bớt điện.

Không có gì là quá khi cho rằng Nhật Bản đang trong cuộc đua để giành vị trí cao quý với Liên minh Châu Âu (EU). Cách đây chưa đầy 1 tháng, Liên minh Châu Âu tự cam kết sẽ cắt bỏ lượng khí thải cácbon đạt 20% đến năm 2020, kèm theo là lời thách thức rằng có thể sẽ đạt tới 30% nếu nước Mỹ cùng tham gia. Nhưng Takayuki Uedo, Giám đốc bộ phận năng lượng mới và phục hồi năng lượng của Phòng quản lý tài nguyên thiên nhiên Nhật Bản, lại không tin tưởng lắm vào lời tuyên bố của EU. Ông nói: “Chúng tôi đi trước các nước EU 20 năm, lấy minh chứng là chương trình sáng chế ra loại pin sử dụng nhiên liệu hydro”.

Liệu ý thức chung về bảo tồn năng lượng ở Nhật - một đất nước mà những người đi làm bằng tàu điện ngầm đứng xếp hàng yên lặng trên sân ga và không đi bộ sai luật giao thông - sẽ làm chúng ta thấm thía? Hãy hy vọng như vậy. Sớm hay muộn, tất cả chúng ta sẽ cần phải sử dụng năng lượng một cách khôn ngoan hơn nếu không muốn khí hậu Trái đất và cuộc sống của chúng ta trở nên tồi tệ hơn.

Thúy Hằng (ST)