Thứ năm, 07/11/2024 | 14:26 GMT+7

Phát triển điện hạt nhân: Kinh nghiệm từ Pháp

15/06/2010

Là một nước có 50 năm phát triển trong ngành năng lượng hạt nhân, Pháp là một trong những đối tác của Việt Nam trong Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Phap.jpgBên lề Triển lãm quốc tế về điện hạt nhân lần 4 vừa diễn ra, phóng viên báo Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Claude Guet – Giám đốc đào tạo Ủy ban năng lượng hạt nhân Pháp, Trưởng phái đoàn hạt nhân Pháp về những kinh nghiệm của Pháp cho Việt Nam trong dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

 

Thưa ông, với kinh nghiệm về phát triển điện hạt nhân của mình, những vấn đề nào Pháp có thể chia sẻ với Việt Nam trong Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận?

 

Có thể nói Pháp là một trong những nước có kinh nghiệm lâu đời trong lĩnh vực hạt nhân. Chúng tôi đã có kinh nghiệm từ trên 50 năm nay. Hiện nay, 80% lượng điện ở Pháp là điện hạt nhân. Chúng tôi có tổng số 58 lò phản ứng trên khắp nước Pháp.

 

Có được kết quả này được là nhờ những tập đoàn chuyên về điện hạt nhân rất mạnh của Pháp như tập đoàn AREVA, EDF – những tập đoàn nổi tiếng trên thế giới. Bên cạnh đó, Chính phủ và các tập đoàn đã đồng thuận, liên kết với nhau để nghiên cứu về công nghệ, độ an toàn của lò phản ứng hạt nhân.


 nuclear-power-a.jpg


Chính vì thế, chúng tôi đã có thế hệ lò phản ứng thứ 3 là lò EPR có thể nói là thế hệ lò an toàn nhất trên thế giới hiện nay. Đồng thời, chúng tôi rất coi trọng việc đào tạo. Hiện chúng tôi đã có một đội ngũ kỹ thuật viên cũng như kỹ sư ở trình độ cao để làm việc trong lĩnh vực hạt nhân.

 

Pháp luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực điện hạt nhân. Và với kinh nghiệm trên 50 năm này, chúng tôi có thể giúp đỡ Việt Nam ở tất cả mọi lĩnh vực như KHCN, đào tạo, đảm bảo an toàn hay luật pháp.

 

Kinh nghiệm của Pháp đề cập đến khi tham gia triển lãm này có 3 vấn đề lớn: Thứ nhất là an toàn hạt nhân, cụ thể là kiểm soát an toàn qua từng giai đoạn xây dựng nhà máy ĐHN; Thứ hai là chấp nhận công chúng đối với vấn đề điện hạt nhân; Thứ ba là kinh nghiệm trong hợp tác quốc tế đối với doanh nghiệp Pháp. Trong đó, chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề chấp nhận công chúng đối với dự án điện hạt nhân. Vậy kinh nghiệm của Pháp về vấn đề này là như thế nào, thưa ông?

 

Có thể nói chấp nhận công chúng là một trong những yếu tố cơ bản nhất khi chúng ta xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Việc này có nghĩa là chúng ta phải làm như thế nào để chia sẻ những hiểu biết của mình với công chúng về điện hạt nhân để họ đồng thuận với mình. Ví dụ như công chúng phải hiểu được những điểm mạnh và những bất cập của năng lượng hạt nhân, những công nghệ cũng như ảnh hưởng của năng lượng hạt nhân đến với nền kinh tế và môi trường xung quanh.

 

Ở Pháp chúng tôi đã tiến hành tuyên truyền cho cộng đồng ở nhiều cấp độ khác nhau, ví dụ như chúng tôi có hoạt động gọi là tranh luận công chúng. Quá trình tổ chức tranh luận đó phải được thực hiện minh bạch và sau quá trình đó, ở Pháp bây giờ chúng tôi thấy công chúng đã chấp nhận, đồng thuận đối với vấn đề xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

 

Bên cạnh đó, điều quan trọng khiến chúng tôi được công chúng, dư luận đồng thuận là chúng tôi đã có một bộ luật riêng về điện hạt nhân từ năm 2006. Luật này quy định những vấn đề lớn như vấn đề xử lí chất thải hạt nhân. Cụ thể, rác thải hạt nhân phải được xử lí theo các công nghệ hợp lí để có thể tái chế. Việc tái chế này sẽ làm giảm chất độc, giảm lượng phóng xạ trong rác thải và giúp tái sử dụng những nguyên liệu thải ra. Bởi trong chất thải vẫn còn những chất có thể thu hồi lại được và mình có thể tận dụng được năng lượng trong đó.


 24-1-2.jpg


Luật cũng quy định việc lưu giữ rác thải cuối cùng, tức là rác thải sau khi đã được tái sử dụng phải được lưu giữ ở những địa tầng sâu hoặc những điểm được cho phép lưu giữ rác thải trong thời gian quy định cụ thể. Cũng xuất phát từ việc xử lí chất thải này mà luật cũng có quy định rằng những lò phản ứng thế hệ thứ 4 sẽ phải có quy trình công nghệ như thế nào để có thể sử dụng được tối ưu những nhiên liệu cũng như đốt cháy những nhiên liệu 1 cách tối ưu nhất để giảm lượng rác thải.

 

Với những kinh nghiệm từ Pháp, theo ông, ở thời điểm này, điều gì là điều quan trọng nhất Việt Nam nên thực hiện để có thể xây dựng thành công nhà máy điện hạt nhân, đưa vào vận hành vào năm 2020?

 

Để chuẩn bị vận hành nhà máy vào năm 2020, tôi nghĩ vấn đề quan trọng nhất Việt Nam phải nhanh chóng thực hiện là vấn đề đào tạo, cụ thể là đào tạo đội ngũ kĩ sư cũng như kỹ thuật viên có năng lực, ở trình độ cao, đào tạo những lực lượng cán bộ chủ chốt có trách nhiệm, làm việc về vấn đề an toàn điện hạt nhân, cũng như lực lượng quản lí, lao động làm việc trong nhà máy điện hạt nhân.

 

Điều quan trọng thứ 2 là về luật pháp. Việt Nam cần hoàn thiện tất cả những khung pháp lí quan trọng liên quan đến vấn đề điện hạt nhân để việc vận hành được tiến hành thuận lợi.

 

Điều thứ 3 là Việt Nam cần hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở tất cả các cấp độ để có thể đảm bảo nhà máy vận hành tốt. Với tất cả những vấn đề này, nếu Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm thì có thể nhờ đến sự giúp đỡ của quốc tế, của những nước có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề điện hạt nhân.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Phương Lan (Báo KTVN)