Thứ bảy, 23/11/2024 | 14:16 GMT+7

Nhà ở năng lượng thấp vẫn là khái niệm mới

31/03/2010

Tại Việt Nam, vấn đề tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà thấp tầng chưa được chú ý như đúng mức. Khi thiết kế, các tòa nhà thấp tầng hay bỏ qua yếu tố, nắng, gió, ánh sáng tự nhiên, khiến các công trình chưa thực sự thân thiện với môi trường.

Việc phát triển ổ ạt các loại kiến trúc bê tông tại các khu đô thị hiện nay không chỉ kéo theo sự hỗn tạp, thiếu đồng bộ trong kiến trúc mà phần lớn các công trình này đều không chú ý đến yếu tố thân thiện với môi trường. Các khu nhà mới này, không chỉ “xấu” về mặt kiến trúc mà còn gây lãng phí lớn về mặt năng lượng khi đưa vào sử dụng.



nhanangluongthap01.jpg


               Ngôi nhà Millenium house được hình thành từ năm 1997 được đánh giá tiết kiệm năng lượng tối đa



Tại Việt Nam, vấn đề tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà cao tầng đã được quan tâm và có hướng dẫn cụ thể về thiết kế, thi công cũng như kiểm toán năng lượng tòa nhà và quản lý năng lượng tòa nhà. Trong khi đó, nhà ở thấp tầng chiếm đa số trong kiến trúc xây dựng với vấn đề nhà ở năng lượng thấp lại chưa được nhìn nhận nghiêm túc. Điều này dẫn đến việc phổ biến, tuyên truyền về khái niệm nhà ở năng lượng thấp chưa thực sự hiệu quả, người dân cũng không chú ý tới vấn đề này. Năng lượng nhà ở thấp vẫn bị lãng phí đáng kể.

 

Thất thoát năng lượng từ khâu thiết kế

 

Trên thế giới, cùng với ý thức bảo vệ môi trường và việc giá năng lượng ngày càng cao, những nhóm nhà ở năng lượng thấp đang rất phổ biến. Hiện có khoảng 6000 nhà ở năng lượng thấp ở Đức, Thụy Sĩ và Australia. Đó là những nhóm nhà ở  có năng lượng tiêu thụ vào khoảng 15kwh/m2/năm tức là nhỏ hơn 10% mức tiêu thụ năng lượng trung bình của nhà ở.

 

Để đạt được mức tiêu thụ năng lượng đó, ngay từ khâu thiết kế phải tuân thủ chặt chẽ những nguyên tắc như quan tâm đến thời tiết, khí hậu, tận dụng năng lượng tự nhiên bao gồm ánh sáng, gió…bề mặt ngoài công trình U phải thấp hơn 0,15W/(m2 K), đối với cửa sổ U phải thấp hơn 0,8 W/(m2 K). Bên cạnh đó, tổng mức tiêu thụ năng lượng nguyên sinh cho việc sử dụng kết hợp  sưởi ấm, đun nước và tiêu thụ điện không vượt quá 120 KW/m2/năm.

 

Đó là trên thế giới, còn ở Việt Nam, khái niệm nhà ở năng lượng thấp vẫn còn là một khái niệm mới mẻ ngay cả với các kiến trúc sư.

  

Trên thực tế, đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều đề tài về khí hậu và kiến trúc nhằm tận dụng triệt để tự nhiên song các kiến trúc sư khi thiết kế vẫn thường bỏ qua các yếu tố, giải pháp để đạt yêu cầu tiết kiệm năng lượng. Không ít kiến trúc sư bỏ qua yếu tố thiên nhiên, môi trường, khí hậu trong quá trình thiết kế xây dựng gây lãng phí và kém hiệu quả về năng lượng.



nhaVN01.jpg


                                   Các công trình nhà ở thấp tầng ít tính đến yếu tố năng lượng và môi trường


Nhiều công trình dân dụng được thiết kế không thân thiện với môi trường, không tính đến các yếu tố mùa trong năm, các thiết kế không tính đến việc tận dụng ánh sáng, gió, nắng tự nhiện… Nhiều công trình được xây dựng theo mô hình nhà đóng kín, tường nhà rất dày theo mô hình nhà sưởi ấm ở Châu Âu, khi áp dụng vào Việt Nam, mùa hè những ngôi nhà đó trở thành hầm chứa nhiệt, bất kể đông hay hè đều phải dùng điều hòa và bật đèn cả ngày rất tốn năng lượng. Đặc biệt, việc tận dụng mảng kính lớn đang thịnh hành tại các đô thị hiện nay và phần vỏ bao cách nhiệt kém, lắp đặt không hợp lý đã làm thất thoát nguồn  năng lượng sử dụng trong công trình xây dựng từ 20 đến 30%.

 

Còn nhiều rào cản

 

Nhà ở tiêu hao năng lượng thấp đa phần nhờ vào việc biết tận dụng tối đa ưu thế về địa hình, khí hậu…bản thân vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của Việt Nam gây khó khăn nhiều cho các nhà thiết kế.

 

Những nghiên cứu lý thuyết về kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái trong đó có nhận mạnh đến hiệu quả năng lượng đã có nhiều nhưng quá trình ứng dụng thực tế còn hnaj chế. Trong khi trên thế giới nhà ở thấp tầng sử dụng năng lượng hiệu quả đã rất phát triển thì ở Việt Nam vẫn chưa có một dự án về nhà ở năng lượng nào được triển khai (tính đến tháng 5/2009).

 

Giá thành xây dựng cũng là một số yếu tố cản trở việc đưa nhà ở năng lượng thấp trở lên phổ biến. Đa phần các nhà đầu tư lo ngại thiết kế mới sẽ làm chậm tiến độ và tăng giá thành. Thực tế thì chi phí ban đầu cho công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm còn cao. Nhưng nếu nhận thức đầy đủ, các nhà đầu tư sẽ nhận thấy khoản đầu tư này về lâu dài là đáng giá.

 

Để giải quyết triệt để những vướng mắc trên, giải pháp đặt ra lúc này là các cấp, ngành có liên quan đến quy hoạch đô thị cần có biện pháp quản lý chặt chẽ với các nhà đầu tư ngay từ khi dự án mới bắt đầu. Có như thế quy hoạch  đô thị mới bền vững, vừa không lãng phí năng lượng mà lại thân thiện môi trường. Với cách làm nêu trên, hi vọng rằng trong tương lai không xa nhà ở thấp tầng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả  sẽ trở lên phổ biến và gần gũi với người Việt.

 

Trần Liễu