Thứ bảy, 02/11/2024 | 19:26 GMT+7

Quảng Bình thu hút đầu tư năng lượng xanh - hướng đi đột phá

29/03/2022

Quảng Bình đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào năng lượng với các dự án điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, thủy điện, điện khí nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển theo hướng kinh tế xanh.

Hàng loạt dự án được đầu tư
Những trụ điện gió mang theo tua-bin công nghệ hiện đại, sải cánh khổ lớn đón gió chậm quay tạo ra nguồn năng lượng quý giá đưa vào các nhà máy, xí nghiệp, kéo ra tận công trường, nối mạch vào những khu nghỉ dưỡng, khách sạn và nhà dân… đã sừng sững hiện diện trên mảnh đất Lệ Thủy, Quảng Ninh.
Xa xa, những triền cát trắng khô cằn ven biển dần trở thành những “cánh đồng năng lượng” trải dài tít tắp. Cụm trang trại điện gió B&T với 60 tuabin, công suất 252 MW, tổng mức đầu tư hơn 8.200 tỷ đồng không chỉ hòa lưới điện quốc gia, bổ sung năng lượng cho đất nước, mà còn tạo ra 60 km đường giao thông nội bộ nối các trụ tua-bin, hạ tầng giao thông công cộng liên xã, liên huyện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Quảng Bình đang sở hữu trang trại điện gió trên bờ quy mô nhất Việt Nam.
Mới đây, Chính phủ đã cho ý kiến về việc chuyển đổi Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II từ điện than sang điện khí và nâng công suất (từ 1.200 MW lên 3.000 MW). Chính phủ cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, chuyển đổi cơ cấu nguồn điện và phát triển nguồn năng lượng tái tạo, giảm dần năng lượng hóa thạch là cần thiết để phát huy tiềm năng, lợi thế trên địa bàn tỉnh, đúng theo tinh thần và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Đại diện Công ty cổ phần AMI AC Renewables, chủ đầu tư Cụm trang trại điện gió B&T cho biết, theo thiết kế, trang trại điện gió này sẽ sản xuất 648 triệu kWh điện năng lượng sạch, tương đương 60% lượng điện tiêu thụ của tỉnh Quảng Bình và góp phần giảm 581.000 tấn CO2 hằng năm.
 
Những cơn gió nóng bức trên mảnh đất “gió Lào, cát trắng” đang trở thành nguồn tài nguyên cho các dự án điện gió, đưa Quảng Bình trở thành trung tâm năng lượng lớn của quốc gia.
 
Theo Sở Công thương tỉnh Quảng Bình, đến nay, tại địa phương đã có một số dự án điện gió được triển khai, gồm: Điện gió B&T, Điện gió Quảng Ninh (252 MW), Điện gió Lệ Thủy (50 MW), Điện gió Minh Hóa (180 MW).
 
Tiềm năng điện gió ở Quảng Bình rất phong phú, theo tính toán kỹ thuật có thể đạt trên 1.052 MW. Việc xây dựng các dự án điện gió, đặc biệt là điện gió quy mô công nghiệp là một trong những nỗ lực của tỉnh nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, bảo vệ môi trường, góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững.
 
Bên cạnh điện gió, Quảng Bình cũng là mảnh đất “màu mỡ” của điện mặt trời, ngoài Dự án Nhà máy Điện mặt trời Dohwa - Lệ Thủy đang xây dựng, tỉnh đã đề xuất bổ sung 11 dự án điện mặt trời (tổng công suất 1.192 MWp) vào Quy hoạch Điện VIII.
 
Cùng với đó, hệ thống thủy điện cũng được xây dựng, khai thác và đang đề xuất đưa vào quy hoạch gồm các nhà máy: Hố Hô, Rào Châu, Khe Kích, La Trọng; Kim Hóa, Khe Rôn, Long Đại 5A, Long Đại 6, Rào Trăng 1, Rào Trăng 2, Lồ Ô, Ngã Hai, Khe Nét, Rào Trổ, Thượng Trạch, Kim Hóa 2; Bản Lòm, Long Đại 3A, Long Đại 5B, Sông Gianh...
 
Biến gió Lào, nắng trưa thành năng lượng để bứt phá
 
Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, từ năm 2020, Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành Chương trình hành động số 36-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quảng Bình. UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch số 2370/KH-UBND, ngày 29/12/2020 thực hiện Chương trình hành động số 36-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
 
Đây là 2 văn bản quan trọng tạo hành lang pháp lý an toàn, thông thoáng nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đến nghiên cứu, khảo sát, đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió trên địa bàn tỉnh.
 
“Hãy biến gió Lào, nắng trưa Quảng Bình thành năng lượng để bứt phá” là thông điệp mà Quảng Bình đang gửi đến các nhà đầu tư. Tỉnh cam kết “trải thảm đỏ” thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi.
 
Theo khảo sát, số giờ nắng ở miền Trung nói chung và Quảng Bình nói riêng có tỷ lệ cao, trung bình đạt 1.650 - 1.820 giờ/năm, cường độ bức xạ trung bình khoảng 4,03 kWh/m2/ngày. Bên cạnh đó, khu vực ven biển Quảng Bình có chiều dài hơn 70 km, địa hình khá bằng phẳng, chủ yếu là rừng trồng phi lao, đất bạc màu, nếu đầu tư thì công tác giải phóng mặt bằng, điều kiện giao thông, đấu nối vào lưới điện quốc gia sẽ rất thuận lợi.
 
Sở Công thương tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh đang phối hợp xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng và Quy hoạch phát triển điện lưới quốc gia (Quy hoạch Điện VIII), trong đó có phát triển hệ thống nguồn điện năng lượng tái tạo.
 
Cụ thể, tỉnh đề xuất phát triển 1 dự án điện khí (3.000 MW) tại Khu kinh tế Hòn La; 21 dự án điện gió đã giới thiệu cho các nhà đầu tư đo gió, khảo sát với tổng công suất 3.689 MW; 13 dự án điện mặt trời nối lưới với tổng công suất 1.241,5 MWp.
 
Mới đây, Chính phủ đã cho ý kiến về việc chuyển đổi Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II từ điện than sang điện khí và nâng công suất (từ 1.200 MW lên 3.000 MW). Chính phủ cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, chuyển đổi cơ cấu nguồn điện và phát triển nguồn năng lượng tái tạo, giảm dần năng lượng hóa thạch là cần thiết để phát huy tiềm năng, lợi thế trên địa bàn tỉnh, đúng theo tinh thần và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Theo: Báo Đầu tư