Thứ sáu, 24/01/2025 | 00:23 GMT+7

Lợi thế của ngành dệt may khi 'xanh hóa' dây chuyền sản xuất

07/09/2021

Các doanh nghiệp lĩnh vực dệt may, da giày hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu.

Ngành dệt may Việt Nam không cạnh tranh lao động giá rẻ mà cạnh tranh về chất lượng, công nghệ, năng suất, thời gian giao hàng, minh bạch, tiết giảm tối đa năng lượng, tài nguyên, môi trường. Sử dụng năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo để giảm phát thải khí nhà kính được coi là cơ hội và thách thức lớn của ngành dệt may, da giày Việt Nam.
Lợi thế của ngành công nghiệp dệt may, da giày
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp dệt may, da giày là một trong các ngành xuất khẩu có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng lớn nhất ở Việt Nam. Năm 2020, ngành dệt may đã mang lại giá trị xuất khẩu trên 35 tỉ USD cho nền kinh tế nước nhà và xuất khẩu 1,233 tỉ đôi giày trên toàn cầu, chiếm tỉ trọng xuất khẩu là 10,2%.
Cùng với 4 thị trường lớn gồm: Mỹ, châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc thì việc Việt Nam ký kết các hiệp định tự do thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đã mở ra cơ hội để ngành dệt may, da giày Việt Nam mở rộng sang các thị trường khác.

Chọn động cơ có công suất phù hợp với từng dây chuyền sản xuất giúp tiết kiệm năng lượng
Ngành dệt may, da giày của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại đã ký kết. Nhưng đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp (DN) khi mà chuỗi cung ứng phải đảm bảo những yêu cầu của các hiệp định về cam kết bảo vệ môi trường và phát thải nhà kính thấp.
Cụ thể là quy định về dán nhãn carbon trên sản phẩm dệt may xuất khẩu Việt Nam của Hoa Kỳ, châu Âu (yêu cầu các nhà nhập khẩu phải tính toán mức độ phát thải carbon trên dây chuyền công nghệ sản xuất ra sản phẩm dệt may). Do đó, DN phải hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu.
Hiện, đa số DN trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may, da giày gia công cho các nhãn hàng lớn đã tiếp nhận những yêu cầu thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm khí phát thải nhà kính, đây cũng là một tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng các mặt hàng ra thị trường quốc tế.
Ông Trần Như Tùng - Trưởng ban Phát triển bền vững (Hiệp hội Dệt may Việt Nam- VITAS) cho rằng, trước mắt, việc đầu tư thực hành các tiêu chuẩn phát triển bền vững có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng về lâu dài, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ ngày càng tốt hơn, có thể nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư mới.
Việc tuân thủ Bộ Quy tắc ứng xử của các thương hiệu về trách nhiệm xã hội và môi trường là một trong những yêu cầu cơ bản, nền tảng mà các nhà máy khi tham gia vào chuỗi cung ứng đều phải cam kết. Nếu các nhà máy có cam kết và kết quả của việc thực hiện các yêu cầu, trong đó có yêu cầu về giảm khí phát thải hàng năm trong chương trình quản lý năng lượng bền vững thì sẽ được xem xét ghi nhận sự đóng góp thông qua cộng điểm trong hệ thống đánh giá năng lực của nhà cung ứng.
Do đó, để thúc đẩy sự tham gia của các máy trong chuỗi cung ứng thì việc đầu tư vào các dự án năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo cũng là một yếu tố cạnh tranh xem xét cho việc lựa chọn, đánh giá, xếp hạng của các nhà máy định kỳ hàng năm.
Hướng tới phát triển trưởng bền vững
Hiện nay, thương hiệu lớn có chuỗi cung ứng tại Việt Nam đều tham gia là thành viên và ký cam kết trong “Hiến chương ngành công nghiệp thời trang về hành động vì khí hậu” (UNFCCC) thực hiện cam kết đến năm 2030 giảm thiểu phát thải 30% lượng khí CO2 và Net zero carbon đến năm 2050.
Theo đó, lộ trình giảm 30% khí phát thải nhà kính đến năm 2030 trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam đang tập trung vào hai nhóm giải pháp: Nhóm thứ nhất, tập trung vào việc nâng cao hệ thống tiết kiệm năng lượng và cải tạo hiệu quả máy móc, cơ sở hạ tầng; nhóm thứ 2 là sử dụng năng lượng tái tạo bằng điện mặt trời áp mái và mua năng lượng điện sạch.
Hiện nhiều nhà máy đã tham gia các chương trình với các đối tác như IFC, GIZ tại Việt Nam. Do vậy, các nhà máy đã có những bước đầu hiệu quả trong việc tiết kiệm năng lượng và đầu tư vào hệ thống điện mặt trời áp mái - đây chính là những mắt xích đầu tiên trong việc hướng đến sản xuất bền vững.

Tấm lợp lấy sáng - tối ưu hóa cho doanh nghiệp dệt may. (Ảnh minh họa).
Chia sẻ về vấn đề này, ông Marcus Bissel - Trưởng hợp phần Hiệu quả năng lượng/ Dự án 4E của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho biết: Để đảm bảo các dự án hiệu quả năng lượng đạt được tiến độ đề ra, trong thời điểm này, các DN có thể tiến hành các hoạt động đào tạo về quản lý năng lượng cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý.
“Chúng ta không thể chờ đợi mà chỉ là thực hiện những công việc khác phù hợp trong bối cảnh dịch để đảm bảo kế hoạch và dự án Hiệu quả năng lượng tại các DN vẫn có thể triển khai đúng tiến độ”, ông Marcus Bissel khẳng định.
Tuy “xanh hóa” sản xuất, sử dụng năng lượng sạch và các giải pháp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường là hướng phát triển bền vững, mở ra nhiều cơ hội bứt phá, giúp DN tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường quốc tế lẫn thị trường nội địa, nhưng cũng đặt ra một bài toán về chi phí đầu tư, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một số ý kiến cho rằng, để cải thiện hiện trạng sản xuất của DN dệt may Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh, rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức tài chính, nhãn hàng dệt may...
Theo Báo Kinh tế môi trường