Thứ sáu, 24/01/2025 | 00:32 GMT+7

Ra mắt mạng lưới sử dụng năng lượng hiệu quả đầu tiên ở Việt Nam

20/07/2017

Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) vừa chính thức ra mắt “Mạng lưới hiệu quả năng lượng” với sự tham gia của 8 doanh nghiệp (DN) trong các ngành dệt may, giấy, vận tải, chế biến nhựa.

Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) vừa chính thức ra mắt “Mạng lưới hiệu quả năng lượng” với sự tham gia của 8 doanh nghiệp (DN) trong các ngành dệt may, giấy, vận tải, chế biến nhựa.

Mạng lưới hiệu quả năng lượng Việt Nam là sáng kiến trong khuôn khổ Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng, do Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức cùng phối hợp triển khai dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ).

Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Markus Bissel, Trưởng bộ phận Hiệu quả năng lượng của dự án cho biết: "Mục đích của mạng lưới này là kết nối các công ty để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thông qua các hoạt động chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Toàn bộ quy trình sẽ được lên kế hoạch rõ ràng, với sự điều phối của các chuyên gia Đức về hiệu quả năng lượng. Các công ty cũng sẽ được hưởng lợi từ kiểm toán năng lượng cũng như sự tư vấn của các chuyên gia tư vấn Việt Nam, cũng như kết nối với các bên công nghệ và dịch vụ đến từ Đức”.

Mạng lưới hiệu quả năng lượng đầu tiên trên thế giới đã được thành lập vào năm 1987 tại Zurich, Thụy sỹ. Đây đã trở thành mô mình phổ biến trên thế giới, và được chứng minh là một công cụ hiệu quả và quan trọng để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Năm 2009, 30 mạng lưới hiệu quả năng lượng đã được thành lập và tiết kiệm được 12% lượng điện năng sử dụng trong vòng 5 năm. Trong giai đoạn 2014 - 2020, dự kiến có đến 500 mạng lưới khác nhau đã được thành lập tại Đức.

"Nguyên nhân đằng sau việc thành lập mạng lưới Hiệu quả năng lượng Việt Nam đó là vì chúng tôi cho rằng mỗi công ty đều có những thế mạnh nhất định về sử dụng năng lượng hiệu quả. Nếu hợp tác cùng nhau, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu biết nhiều hơn và cùng làm cho việc tiêu thụ năng lượng được hiệu quả hơn. Theo mô hình này, mỗi mạng lưới chỉ có 10-15 doanh nghiệp, để các công ty tham gia đều có nhiều cơ hội thảo luận và chia sẻ ở mức tối đa. Các mạng lưới này sẽ giúp các công ty giảm thiểu chi phí năng lượng, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh. Các mạng lưới cũng sẽ giúp cho việc sử dụng năng lượng và các số liệu liên quan được rõ ràng minh bạch hơn, cũng như thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo trong tất cả các ngành”, ông Bissel cho biết.

Tiêu chí lựa chọn các công ty thành viên tham gia mạng lưới hiệu quả năng lượng Việt Nam là những doanh nghiệp có chi phí tiêu thụ năng lượng cao, có trụ sở tại cùng một khu vực và không là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Để trở thành thành viên chính thức, công ty tham gia sẽ cần chỉ định một giám đốc năng lượng và ký một văn bản nêu rõ nguyện vọng tham gia.

Sau buổi gặp đầu tiên, 8 công ty trong các ngành dệt may, sản xuất giấy, vận tải, chế biến cao su và nhựa đồng thời là thành viên đầu tiên của mạng lưới sẽ được tiến hành kiểm toán năng lượng. Các chuyên gia tư vấn Đức và Việt Nam sẽ thăm các xưởng sản xuất và hỗ trợ quá trình kiểm toán này.

Là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển năng động nhất ở khu vực châu Á, Việt Nam phải đối mặt với nhu cầu tiêu thụ điện đang tăng lên nhanh chóng, dự kiến tăng ở mức hai con số trong những năm tới. Các ngành công nghiệp, vận tải, và khu vực cư dân hiện là ba lĩnh vực đang tiêu thụ nhiều điện nhất.

Chính phủ Việt Nam từ trước đến nay đã luôn ưu tiên vấn đề hiệu quả năng lượng. Hiệu quả năng lượng là một trong những nội dung chính của Quy hoạch Phát triển ngành Điện VII và Chiến lượng tăng trưởng xanh của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, những sáng kiến như Mạng lưới Hiệu quả năng lượng Việt Nam sẽ có vai trò quan trọng, bởi chúng sẽ kết nối và tạo điều kiện để các công ty có thể đóng vai trò chủ chốt trong việc giảm thiểu chi phí tiêu thụ điện và tăng cường hiệu quả kinh doanh.

Theo Báo Công Thương