Cách nhiệt và giữ nhiệt
Với khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, thiết kế kiến trúc cần giúp cho công trình mát vào mùa nóng, ấm trong mùa lạnh. Từ đó có thể giảm năng lượng sử dụng cho các thiết bị như điều hoà nhiệt độ, quạt máy, lò sưởi... Giải pháp kiến trúc để cách nhiệt và giữ nhiệt được giải quyết trên tổng thể kiến trúc, từ mặt bằng cho tới mặt cắt, mặt đứng. Đó là việc phân bố các không gian, các phòng chức năng hợp lý để tránh yếu tố bất lợi (nắng nóng, gió lạnh), sử dụng kết cấu bao che đúng chủng loại, quy cách, công năng để chắn nắng, chống nóng, sử dụng đúng vật liệu để khai thác ưu điểm của vật liệu cho mục đích đề ra... Cụ thể, đó là việc bố trí tổng thể công trình có hướng thuận lợi, bố trí các phòng chức năng chính tránh hướng nắng nóng; sử dụng mái rộng chắn nắng; thiết kế các lớp đệm như hiên, sảnh, ban công; thiết kế các kết cấu chắn nắng, dùng tường dày để cách nhiệt tốt; dùng các hệ cửa cùng vật liệu cửa thích hợp...
Chiếu sáng
Một công trình được thiết kế chiếu sáng tự nhiên tốt sẽ tiết kiệm năng lượng đáng kể. Giải pháp thiết kế chiếu sáng là một phần của giải pháp kiến trúc. Cần khai thác một cách tối đa các hệ cửa dành cho việc chiếu sáng, bên cạnh đó có thể có những giải pháp khác như cửa mái, giếng trời, tận dụng và tối ưu hoá các không gian liên thông theo chiều đứng và chiều ngang để tăng cường ánh sáng.
Thông gió
Hệ thống thông gió tự nhiên tốt sẽ mang lại môi trường vi khí hậu tốt, không khí trong lành, làm giảm nhiệt độ trong không gian. Hệ thống thông gió tự nhiên tốt đương nhiên sẽ làm giảm thiểu việc sử dụng thiết bị tiêu tốn năng lượng để làm mát và thông gió cưỡng bức như điều hoà nhiệt độ, quạt thông gió. Trong các yếu tố tự nhiên làm ảnh hưởng tới tâm sinh lý con người là nhiệt độ, độ ẩm và tốc độ gió; thì giải pháp thông gió tự nhiên đóng một vai trò quan trọng.
Sử dụng vật liệu - thiết bị phù hợp
Các giải pháp vật liệu - kỹ thuật - thiết bị nếu được tính toán kỹ lưỡng cùng với giải pháp kiến trúc phù hợp sẽ góp phần đáng kể trong việc tiết kiệm năng lượng tổng thể cho ngôi nhà. Các loại vật liệu, thiết bị, công nghệ xanh ngày càng phát triển cùng với kiến trúc tiết kiệm năng lượng. Có thể kể tới các loại vật liệu bản địa, vật liệu không nung, vật liệu kính phản nhiệt, kính cách nhiệt, các hệ cửa kín giúp cho công trình giữ nhiệt, điều hoà nhiệt độ công nghệ tiết kiệm điện, bình nước nóng năng lượng mặt trời, pin mặt trời...
Hiện nay có một xu hướng được giới kiến trúc quan tâm, đó sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu tái chế và vật liệu siêu nhẹ. Theo các chuyên gia, ngoài việc giúp cách nhiệt hiệu quả, bản thân việc tạo ra các loại vật liệu này cũng tiết kiệm đáng kể nguồn năng lượng trong sản xuất. Do đó, về tổng năng lượng tiêu thụ, các công trình sử dụng những vật liệu này sẽ "xanh" hơn đáng kể so với các công trình xây dựng bằng vật liệu truyền thống.
Thêm không gian xanh
Cây xanh cùng mặt nước đem lại môi trường trong lành, tăng cường hàm lượng oxy trong không khí, cải thiện chất lượng không khí, làm thông thoáng không gian. Cây xanh và mặt nước trong công trình cũng làm giảm bức xạ nhiệt của mặt trời vào công trình, giảm tiêu hao năng lượng làm mát.
Mỗi ngôi nhà có một đặc điểm, đời sống riêng. Không phải căn nhà nào cũng có đủ điều kiện để áp dụng tất cả các giải pháp kể trên. Tuy nhiên, nếu cân nhắc các giải pháp một cách kỹ lưỡng ngay từ khi bắt tay vào thiết kế có thể đạt hiệu quả tiết kiệm năng lượng đáng kể.
Tấn Thành t/h