Thứ ba, 05/11/2024 | 12:40 GMT+7
Mùa thu/đông cũng vẫn có điện mặt trời mái nhà
Nguyên lý hoạt động của điện mặt trời mái nhà
Hiện nay, mô hình Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đang ngày càng phổ biến và không còn xa lạ với người dân Thủ đô, bởi nó không chỉ góp phần chung tay xây dựng một hành tinh xanh, giảm ô nhiễm môi trường mà còn giúp người dân giảm đáng kể chi phí tiền điện hàng tháng, đặc biệt có thể thu lại tiền từ việc bán điện.
Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (gọi tắt là Quyết định 13) đã chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, giá mua ĐMTMN (chưa bao gồm giá trị gia tăng) áp dụng trong năm 2020 là 1.940 đồng/kWh. Kể từ năm 2021 và các năm tiếp theo, giá mua điện (chưa bao gồm giá trị gia tăng) được xác định theo từng năm bằng tiền đồng Việt Nam (tương đương với 8,38 UScents/kWh, tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày cuối cùng của năm trước).
Theo đánh giá của các chuyên gia, tuy không nằm gần xích đạo như khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, thời tiết lại chia thành bốn mùa rõ rệt nhưng người dân Miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn có thể khai thác lợi ích từ việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Bởi với nguồn điện này, chỉ cần có ánh sáng là có điện, không nhất thiết phải có ánh nắng. Trong khoảng 4 tháng mùa thu - đông ở miền Bắc, cường độ bức xạ mặt trời thấp, sản lượng điện có giảm, nhưng so với mặt bằng chung ở các nước châu Âu (nơi phát triển mạnh nguồn năng lượng sạch này) thì vẫn tốt hơn gấp 2 lần. Nếu áp dụng kỹ thuật đấu nối hiện đại, vào thời điểm ít nắng ở miền Bắc, người dân vẫn có thể sử dụng ĐMTMN hiệu quả.
Ông Đinh Nghĩa Dũng, khu đô thị Gamuda Garden, Hoàng Mai hiện đang lắp đặt hệ thống ĐMTMN với công suất 6kWp, tương đương diện tích mái khoảng 40m2, cho biết, gia đình ông đã lắp đặt hệ thống này từ đầu năm 2019, hệ thống này thực sự mang lại hiệu quả cao đối với nhịp độ sinh hoạt tại gia đình. Chỉ cần có ánh sáng là có điện nên tầm tháng 9, tháng 10 hệ thống hoạt động hết 100% công suất. Vì thời điểm đó vào mùa thu, tuy không nắng gắt như mùa hè nhưng cường độ chiếu sáng dài hơn do đó sản sinh lượng điện cao hơn cả mùa hè.
Đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết, khi công suất ĐMTMN hòa lưới bằng công suất tiêu thụ thì sẽ tiêu thụ hoàn toàn điện từ hệ thống ĐMTMN. Khi công suất tiêu thụ lớn hơn công suất hòa lưới thì sẽ lấy thêm điện lưới bù vào. Khi công suất tiêu thụ nhỏ hơn công suất hòa lưới, lượng điện thừa sẽ được đẩy lên công tơ điện và được công tơ điện hai chiều ghi nhận và bán lại cho ngành điện.
Những hộ nào nên sử dụng điện mặt trời mái nhà?
Từ kinh nghiệm cá nhân đã sử dụng ĐMTMN, ông Dũng cho rằng, gia đình nào dùng hơn 400 số điện/tháng thì nên lắp đặt hệ thống này. Chỉ cần lắp đặt hệ thống gấp 1,5 lần công suất sử dụng là có thể giảm đáng kể hóa đơn tiền điện. “Trước kia, mỗi tháng nhà tôi tiêu thụ gần 1.000 số điện, tính ra mất gần 3 triệu đồng/tháng. Bây giờ có hệ thống ĐMTMN, mỗi tháng chỉ phải trả gần 1 triệu đồng tiền điện. Từ khi lắp đặt đến nay, nhà tôi không những giảm được tiền điện mà còn bán lại điện không dùng hết, được hơn 4 triệu đồng” - ông Dũng chia sẻ.
Điện mặt trời mái nhà rất tiện dụng và bảo vệ môi trường.
Cũng như gia đình nhà ông Dũng, gia đình bà Nguyễn Thị Tỵ, Thị trấn Trạm trôi, Hoài Đức chia sẻ, gia đình bà lắp đặt hệ thống ĐMTMN từ năm 2017. Từ khi lắp đặt đến nay, hầu như gia đình bà không phải trả hoặc trả rất ít tiền điện. Tháng 6/2020 vừa qua, hệ thống ĐMTMN của gia đình bà sản xuất được 548 kWh, sử dụng 142 kWh, bán lại cho Ngành điện 406 kWh, tương đương 878.584 đồng. Số tiền này được thanh toán 1 tháng/lần. Trong khi đó, hóa đơn tiền điện tháng 6 của gia đình bà là 374 kWh tương đương 850.000 đồng. Như vậy, hệ thống ĐMTMN đã giúp gia đình bà không phải trả tiền điện, cho dù là tháng cao điểm nắng nóng.
Có thể nhận thấy, ĐMTMN không những là hình thức đầu tư hiệu quả về tài chính, mà còn là cách đầu tư giá trị cho tương lai, cho môi trường sống của con em chúng ta. Các chuyên gia nhận định, cứ mỗi 10kWp điện năng lượng mặt trời được lắp đặt là góp phần bảo vệ 35 cây xanh không bị đốn hạ và giảm phác thải gần 800kg khí CO2 mỗi tháng. Nếu giữ nguyên tốc độ khai thác như hiện tại, trữ lượng dầu mỏ chỉ còn 34 năm. Trong khi đó, phải mất đến 5 tỷ năm để tiêu thụ hết nguồn năng lượng sẵn có của mặt trời…
Theo Báo pháp luật điện tử