Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:24 GMT+7
Trong khuôn khổ các hoạt động năm ASEAN 2020, mới đây, Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE) tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 24 Mạng lưới Bảo tồn và Tiết kiệm năng lượng ASEAN (EE&C-SSN).
Hội nghị đã được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Tham dự Hội nghị có gần 70 đại biểu là đầu mối quốc gia về bảo tồn và tiết kiệm năng lượng, các chuyên gia, đại diện của những tổ chức và đối tác quốc tế, nhà tài trợ và cán bộ của Trung tâm ACE.
Mạng lưới Bảo tồn và tiết kiệm năng lượng (EE & C-SSN) là cơ quan năng lượng chuyên biệt của ASEAN, chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động về hiệu quả năng lượng của ASEAN thông qua việc thiết lập mạng lưới, diễn đàn, hội nghị và đào tạo nâng cao năng lực cũng như khuyến khích các sáng kiến mới và trao đổi kiến thức với khu vực tư nhân và các tổ chức tài chính. Các hoạt động này góp phần vào an ninh năng lượng của ASEAN cũng như giảm phát thải CO2. Đặc biệt, năm 2019, EE&C-SSN đã đạt được một trong những mục tiêu quan trọng là giảm cường độ năng lượng 24,4% so với năm 2005, mục tiêu này đã vượt quá mục tiêu đặt ra vào năm 2020 (20%).
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - đơn vị đầu mối về tiết kiệm năng lượng của Bộ Công Thương nhấn mạnh: Tổng cung cấp năng lượng chính của khu vực (TPES) dự báo sẽ tăng 2,63 lần từ 623 MTOE năm 2017 lên 1.630 MTOE vào năm 2040; vào năm 2025, TPES của khu vực ước tính đạt 900 MTOE. Cùng giai đoạn này, tổng mức tiêu thụ năng lượng của ASEAN (TFEC) được dự báo sẽ đạt 531 MTOE vào năm 2025 và 946 MTOE vào năm 2040. Do đó, tiết kiệm năng lượng được xem là nguồn năng lượng ưu tiên số một của khu vực ASEAN.
Trong những năm qua, với vai trò là cơ quan đầu mối ASEAN về năng lượng, ACE đã cùng với các quốc gia thúc đẩy các hoạt động về bảo tồn và tiết kiệm năng lượng trong khu vực cũng như tại từng quốc gia thành viên.
Hội nghị đã đánh giá kết quả của các hoạt động của giai đoạn 2016 - 2020 và xem xét kế hoạch của giai đoạn 2021 - 2025 của Chương trình hành động bảo tồn và tiết kiệm năng lượng ASEAN.
Trong thời gian tới, các đại biểu hy vọng cường độ năng lượng của khu vực ASEAN sẽ giảm 32 - 35% so với năm 2005 vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, Chương trình hành động bảo tồn và tiết kiệm năng lượng ASEAN đã đề ra 5 nhóm hoạt động ưu tiên, trong đó tập trung nhiều vào thúc đẩy tiết kiệm và bảo tồn năng lượng cho ngành công nghiệp, giao thông và xây dựng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và ACE cũng đã tổ chức các hội thảo bên lề gồm:
Hội thảo về thúc đẩy hệ thống đăng ký cho các sản phẩm dán nhãn và thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các thiết bị làm lạnh, tổ chức ngày 13/7. Hội thảo do UNEP đồng tổ chức với mục tiêu hài hóa các định mức tiêu thụ năng lượng cho các sản phẩm điện lạnh, hệ thống dữ liệu về các sản phẩm đã được dán nhãn trong khu vực ASEAN.
Họp Hội đồng Giải thưởng năng lượng ASEAN 2020, ngày 14/7. Đây là giải thưởng thường niên của ASEAN nhằm tôn vinh các công trình công nghiệp, các tòa nhà thực hiện tốt quản lý năng lượng, thiết kế hài hòa nhằm bảo tồn năng lượng. Tại cuộc họp lần này, Hội động ban giám khảo Giải thưởng năng lượng ASEAN một lần nữa đánh giá lại các thang điểm của các công trình tham gia dự thi trước khi công bố các công trình được giải thưởng. Hội đồng giám khảo Giải thưởng ASEAN 2020 cũng kiến nghị Trung tâm ACE điều chỉnh, chỉnh sửa hướng dẫn của Giải thưởng nhằm thúc đẩy hoạt động bảo tồn và tiết kiệm năng lượng trong khu vực ASEAN.
Hội nghị với các đối tác quốc tế về tiết kiệm và bảo tồn năng lượng được tổ chức ngày 16/7 nhằm thông báo với các nhà tài trợ, các đối tác quốc tế về kết quả đạt được của Mạng lưới EE&C-SSN trong những năm qua. Tại hội nghị này, 8 chương trình, dự án mới đã được các nước, các tổ chức quốc tế cam kết tài trợ cho khu vực ASEAN.
Bế mạc Hội nghị thường niên lần thứ 24 Mạng lưới EE&C-SSN năm 2020, ông Trịnh Quốc Vũ cảm ơn những nỗ lực của Mạng lưới EE&C-SSN, Trung tâm ACE, các đối tác quốc tế đã thúc đẩy hoạt động bảo tồn và tiết kiệm năng lượng nhằm hướng đến không chỉ mục tiêu an ninh năng lượng của khu vực ASEAN mà còn góp phần vào giảm lượng khí thải CO2.
Trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào các hoạt động của mạng lưới thông qua các hoạt động cụ thể đẩy mạnh các hoạt động trong nước và tham gia các hoạt động hợp tác của khu vực, quốc tế về bảo tồn, tiết kiệm năng lượng.
Lan Anh