Từ ngày 6 đến 8-11, tại TP Đà Nẵng, Hội Điện lực Việt Nam phối hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị khoa học và công nghệ điện lực toàn quốc năm 2014, thu hút hơn 400 chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực điện năng.
Nhiều đề tài khoa học, giải pháp thiết thực đã được thảo luận như: Quy hoạch hệ thống điện Việt Nam; tăng cường ổn định, tin cậy lưới điện 500kV sau các sự cố mất điện diện rộng và sự cần thiết trang bị hệ thống bảo vệ chống mất điện diện rộng; phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam; công nghệ cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; giải pháp tích hợp lưới điện thông minh với nguồn năng lượng mặt trời...
Hội nghị là dịp để các nhà kho học, cán bộ kỹ thuật ngành Điện chia sẻ thông tin, kinh nghiệm ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện an toàn, ổn định, tiết kiệm, phục vụ thiết thực sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Theo Viện Năng lượng tính toán, với các dữ liệu về tăng trưởng GDP, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện đã được hiệu chỉnh, năm 2015, sản lượng điện thương phẩm dự kiến đạt 140 tỷ kW giờ, điện sản xuất đạt hơn 158,4 tỷ kW giờ, công suất cao nhất đạt hơn 24,8 nghìn MW; năm 2020, con số trên lần lượt là gần 240 tỷ kW giờ, 263 tỷ kW giờ và 41,6 nghìn MW. Với kết quả trên, dự báo nhu cầu điện toàn quốc đến năm 2030 ở cả hai phương án đều thấp hơn dự báo đã được phê duyệt trong Quy hoạch Điện 7.
Đối với việc tăng cường ổn định, an toàn cho hệ thống truyền tải điện 500kV, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia đã nghiên cứu và phối hợp các đơn vị liên quan, đề ra các giải pháp, lắp đặt các hệ thống phòng tránh mất điện diện rộng như hệ thống sa thải theo tần số thấp; sa thải phụ tải đặc biệt bổ sung; mạch sa thải nguồn; hiệu chỉnh sa thải tổ máy miền bắc; sa thải đặc biệt khi có sự cố một phần tử đường dây/máy biến áp quan trọng...
Theo Nhân dân