Thứ sáu, 22/11/2024 | 23:09 GMT+7

Quản lý năng lượng: Ngành học mới nhiều tiềm năng

18/08/2014

Quản lý năng lượng là ngành học mới, còn lạ lẫm với nhiều bạn học sinh, sinh viên. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này vẫn còn thiếu và yếu. Tính đến nay, ĐH Điện lực là đơn vị duy nhất đào tạo chính quy ngành học ngày trên cả nước.

Kỳ tuyển sinh Đại học năm 2014 vừa kết thúc, cũng là lúc cánh cổng Đại học chào đón các bạn tân sinh viên. Năm học 2014 -2015, Khoa Quản lý năng lượng (QLNL), Đại học Điện lực (Hà Nội) lại đón nhận thêm khóa sinh viên mới, tiếp tục đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cho thị trường lao động.

c83c6e05b_anh_1.jpg

Đại học Điện lực 

Được thành lập từ năm 2005, tính đến nay Đại học Điện lực là đơn vị duy nhất đào tạo chính quy ngành QLNL trên cả nước. Trong khi một số chuyên gia nhận định nguồn nhân lực trong lĩnh vực QLNL của nước ta vẫn còn thiếu và yếu, thì ngành học đầy tiềm năng này vẫn còn khá lạ lẫm với nhiều người.

Trang thông tin điện tử Tietkiemnangluong.com.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Dương Trung Kiên, Trưởng khoa Quản lý Năng lượng, Đại học Điện lực để giúp độc giả có cái nhìn rõ nét hơn về ngành học mới mẻ nhưng không kém phần hấp dẫn này.

QLNL là xu hướng tất yếu của tương lai

Theo TS. Dương Trung Kiên, ngành QLNL hiện đào tạo 2 nội dung chính gồm QLNL tại đơn vị sản xuất và QLNL tại các đơn vị sử dụng, tiêu thụ năng lượng. Nội dung thứ nhất giúp người học biết cách quản lý, vận hành, sản xuất kinh doanh trong các nhà máy điện, các công ty Điện lực.

Nội dung thứ hai tập trung vào các hoạt động tiết kiệm năng lượng, trang bị cho người học khả năng tư vấn, phân tích, thiết kế và xây dựng hệ thống cung cấp năng lượng và mô hình QLNL trong doanh nghiệp; thực hiện kiểm toán năng lượng; triển khai tư vấn dự án tiết kiệm năng lượng và năng lượng mới.

fa10476bf_1_2.jpg

TS. Dương Trung Kiên, Trưởng khoa QLNL, Đại học Điện lực

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo với thời gian 4,5 năm, sinh viên ra trường có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công tác như quản lý dự án, triển khai các phương án tiết kiệm năng lượng tại các nhà máy sản xuất điện, công ty truyền tải điện; tư vấn viên, kiểm toán viên tại các công ty điện lực, mua bán điện, công ty dịch vụ kiểm toán năng lượng…

TS. Dương Trung Kiên nhận định: “QLNL sẽ trở thành xu hướng tất yếu của tương lai. Bởi bất kỳ quốc gia nào cũng cần QLNL để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hoạt động này không chỉ giúp tiết kiệm nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, giảm chi phí sản xuất mà còn giảm phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường”. Do đó, cơ hội việc làm cho ngành học này là rất cao.

Tại Khoa QLNL, hoạt động đào tạo luôn kết hợp song song giữa lý thuyết và thực hành. Sinh viên muốn tốt nghiệp phải trải qua phần thi thực hành.

Hiện, Khoa có riêng một phòng thực hành kiểm toán năng lượng bao gồm rất nhiều thiết bị như hệ thống chiếu sáng, bơm, quạt, máy nén, điều hòa, hệ thống nhiệt…để sinh viên làm quen với việc sử dụng và thực hành đo đếm.

29a55c1ca_111.png

Phòng thực hành của khoa QLNL

Cũng theo TS. Dương Trung Kiên, QLNL là một ngành học mới, lượng tài liệu còn ít, các bạn sinh viên cần trau dồi khả năng tự học, tăng cường tìm hiểu, chắt lọc thông tin từ các tài liệu chuyên ngành, internet và các nguồn tài liệu khác.  Đặc biệt, khả năng tiếng anh tốt cũng là yếu tố quan trọng, hỗ trợ việc tìm đọc, tham khảo thêm tài liệu từ những nguồn của nước ngoài.

Mới nhưng nhiều tiềm năng

Có mặt tại lớp D7, Khoa QLNL, chúng tôi khá ngạc nhiên khi thấy với một ngành học tưởng như “khô khan” lại thu hút được số lượng sinh viên nam và nữ khá đồng đều. Nói về lý do chọn ngành học mới mẻ này, bạn Chu Thị Huyền, lớp trưởng D7 cho biết: “Em thấy ngành nào cũng cần phải sử dụng đến năng lượng. Khi đã sử dụng thì ắt sẽ cần đến quản lý. Thế nên, em chọn học vì tin rằng sẽ có nhiều cơ hội tìm việc làm”.

a3ca1bf19_anh_2huyen.jpg

Bạn Chu Thị Huyền, lớp trưởng D7- QLNL

Khác với cô bạn thân, Cao Thị Kim Chi lại chia sẻ lý do chọn học ngành QLNL vì đây là ngành học nửa kinh tế, nửa kỹ thuật, không quá đau đầu với những con số mà cũng không quá cứng nhắc với hệ thống máy móc, thiết bị. Trong khi đó, cậu bạn Nguyễn Quốc Huy lại quyết định trở thành sinh viên của khoa QLNL vì đây là một ngành mới, ít người học tại Việt Nam.

Nói về chương trình học tập, các bạn sinh viên chia sẻ, ngoài việc học lý thuyết kết hợp với thực hành, nhà trường còn thường xuyên tổ chức cho sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa như tham dự các cuộc thi, triển lãm, lễ trao giải các sự kiện liên quan đến QLNL và TKNL để tăng cường vốn hiểu biết.

3cd690e74_anh_7.jpg

Sinh viên Khoa QLNL tham gia lễ trao giải Quản lý năng lượng trong công nghiệp và tòa nhà 2013

Bạn Cao Thị Kim Chi cho biết: “Những kiến thức đã học được rất hữu ích cho cuộc sống. Em thường xuyên áp dụng vào việc sử dụng năng lượng tại gia đình sao cho tiết kiệm và hiệu quả như thay bóng sợi đốt và bằng bóng compact, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng…”

Năm học mới đã bắt đầu và các bạn sinh viên Khoa QLNL đang ấp ủ rất nhiều dự định. Bạn Chu Thị Huyền chia sẻ: “Em thấy các anh chị khóa trước nói rằng học môn Kiểm toán năng lượng là khó nhất. Thế nên, em nghĩ mình cần chuẩn bị thật tốt cho môn học này trong thời gian sắp tới bằng cách tìm đọc trước một số tài liệu như các thầy cô vẫn thường khuyến khích”.

Còn với Nguyễn Quốc Huy, cậu sinh viên năm thứ 3 này không giấu giếm mơ ước trở thành một người QLNL trong doanh nghiệp. Huy cho biết, cậu đang tìm hiểu thêm về các khóa học QLNL. Có thể, sau khi hoàn thành chương trình tại trường Đại học, Huy sẽ đăng ký đi học để nâng cao chuyên môn hơn nữa.

Hải Nhy