Thứ bảy, 02/11/2024 | 15:28 GMT+7

Tái cấu trúc để hướng tới nền kinh tế xanh

06/06/2011

Tại cuộc hội thảo bàn về tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tiết kiệm năng lượng do ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hôm qua, các chuyên gia đã nêu lên những vấn đề đáng để Việt Nam phải học tập. Ví dụ, trong giai đoạn 2005 – 2010, nhờ sử dụng công nghệ sản xuất năng lượng sạch, Trung Quốc đã tạo được thêm 445 triệu kWh năng lượng mới, trong đó, có 21,58% từ thuỷ điện và 0,86% từ điện nguyên tử; đã đóng cửa các nhà máy than cũ, quy mô nhỏ với tổng cộng 72,1 triệu KWh, xây dựng thêm nhiều nhà máy với năng suất cao và hiệu quả hơn từ các nhà máy cũ.

Giảm lượng khí thải CO2, tăng nguồn năng lượng tái sinh, nền kinh tế phát triển vượt bậc nhưng tài nguyên và môi trường vẫn được bảo vệ bền vững… là mong muốn của bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên để có được một nền kinh tế “xanh”, theo các chuyên gia, vấn đề quản trị nền kinh tế là vô cùng quan trọng, nhất là trong việc cải cách kinh tế, điều phối thị trường, khung giá năng lượng, cũng như các chính sách tài khoá phù hợp.


Bài học từ công nghệ sạch


Tại cuộc hội thảo bàn về tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tiết kiệm năng lượng do ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hôm qua, các chuyên gia đã nêu lên những vấn đề đáng để Việt Nam phải học tập. Ví dụ, trong giai đoạn 2005 – 2010, nhờ sử dụng công nghệ sản xuất năng lượng sạch, Trung Quốc đã tạo được thêm 445 triệu kWh năng lượng mới, trong đó, có 21,58% từ thuỷ điện và 0,86% từ điện nguyên tử; đã đóng cửa các nhà máy than cũ, quy mô nhỏ với tổng cộng 72,1 triệu KWh, xây dựng thêm nhiều nhà máy với năng suất cao và hiệu quả hơn từ các nhà máy cũ.


nl sach.jpg

Ông Gailius J. Draugelis, chuyên gia WB cho biết, trong vòng 20 năm qua, nhu cầu năng lượng tính theo GDP/người của Trung Quốc tăng lên đáng kể. Trung Quốc đã và đang gặp phải thách thức lớn nhất từ nhu cầu sử dụng năng lượng cao với dân số lớn, lượng thải carbon nhiều, đặc biệt các ngành công nghiệp. Với bối cảnh đó, Trung Quốc đã chọn năng lượng sạch, hướng tới đầu tư công nghệ sạch, tìm các nguồn năng lượng tái sinh. Cụ thể như, họ đưa ra những quy chuẩn tối thiểu mà công ty về năng lượng phải tuân thủ theo.


Thành phố có lượng carbon thấp, dễ hay khó?


Việt Nam có thể học được gì từ Trung Quốc? Làm thế nào chúng tôi có thể giảm được lượng khí thải CO2 khi tại các đô thị dân số ngày một đông và kéo theo những áp lực về kinh tế? Trả lời cho câu hỏi đó của ông Đỗ Đức Minh (quyền giám đốc viện Đào tạo tài chính – bộ Tài chính), ông Gailius J. Draugelis cho rằng, các ngân hàng và phi ngân hàng tại Việt Nam có thể phối hợp để cùng thực hiện tiết kiệm năng lượng. Bởi tiết kiệm năng lượng cũng là giúp tiết kiệm túi tiền cho các nhà kinh doanh. “Tại Trung Quốc, lĩnh vực tiết kiệm năng lượng cũng được tư nhân hoá với sự xuất hiện của các công ty chuyên cung cấp gói dịch vụ này. Khi thấy có lợi nhuận, các ngân hàng sẽ đầu tư và chúng ta sẽ tiến tới một nền kinh tế bảo vệ năng lượng”, ông J.Draugelis nhấn mạnh.


Xung quanh những băn khoăn làm thế nào để có được một thành phố với lượng carbon thấp cho các nước đang phát triển như Việt Nam, ông Gailius J.Draugelis cho hay, sắp tới sẽ cho ra đời cuốn sách trong đó sẽ bàn cụ thể về việc làm thế nào để có một thành phố có lượng carbon thấp, thành phố phát triển bền vững hài hoà giữa kinh tế và môi trường. Việc này không hề khó, mà quan trọng là phải nghiên cứu thật kỹ trước khi có những triển khai về quy hoạch đô thị.


Cụ thể, việc xây dựng một toà nhà không có khí CO2 không khó, nếu ta sử dụng mái nhà với các tấm pin mặt trời, cung cấp năng lượng cho việc đun, nấu. “Nếu ta quản lý toà nhà từ những tiêu chuẩn về nội thất như loại nhà nào cần năng lượng nào? Việc sử dụng hệ thống sưởi, làm lạnh bằng nguồn năng lượng tái sinh, tính toán việc sử dụng bao nhiêu mét vuông cửa kính, cửa sổ, tận dụng tối đa công năng thông gió và đón ánh sáng. Một toà nhà có thể tiếp nhận thêm 20% năng lượng mặt trời nếu làm đúng hướng”, ông J. Draugelis khẳng định.


Ông J. Draugelis cho rằng, Việt Nam có thể sử dụng các khoản vay riêng ưu tiên cho phát triển năng lượng sạch, xử lý các nguy cơ ảnh hưởng từ năng lượng.


Ông Đỗ Đức Minh cho biết, hiện tại kinh tế Việt Nam đang phải đối diện với những khó khăn về lạm phát, bội chi nhưng Chính phủ đã có những chính sách ưu tiên cho lĩnh vực năng lượng sạch cũng như khuyến khích phát triển kinh tế xanh. Cụ thể, Việt Nam đã ban hành chính sách thuế môi trường, đặc biệt ưu tiên cho đầu tư công nghệ mới; đánh thuế với các loại than, xăng, thuốc diệt cỏ, dung dịch hoá chất, túi nilông…


Ông Đỗ Đức Minh khẳng định: “Tăng tỷ trọng về đầu tư công nghệ xanh, giảm thuế cho các doanh nghiệp, hỗ trợ các dự án bảo vệ môi trường; có chính sách tín dụng với các sản phẩm liên quan với bảo vệ môi trường; đặc biệt, sắp tới sẽ có cơ chế tín dụng ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực năng lượng sạch như gió, mặt trời… tái cấu trúc kinh tế, hạn chế các ngành công nghiệp sử dụng khoáng sản, đầu tư nền nông nghiệp xanh, phát triển ngành dịch vụ là những việc chúng tôi đã và đang làm”.


Theo SGTT