Theo chia sẻ từ TS. Nguyễn Xuân Tiên, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội khoa học kỹ thuật Lạnh và Điều hòa Không khí Việt Nam, một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến người dùng tốn kém chi phí sửa điều hòa là do lắp đặt không đúng kỹ thuật, đồng thời điều này cũng khiến điện năng tiêu thụ của điều hòa tăng vọt. Vì vậy, trước khi lắp đặt điều hòa, cần cân nhắc kỹ vị trí lắp đặt để vừa đảm bảo điều hòa hoạt động hiệu quả, vừa có tính thẩm mỹ, phù hợp với kiến trúc.
Điều đầu tiên cần lưu ý trước khi lắp đặt điều hòa là chọn điều hòa có công suất phù hợp với diện tích phòng. Nếu công suất làm lạnh quá nhỏ so với diện tích căn phòng, máy sẽ phải hoạt động liên tục, gây quá tải, ảnh hưởng đến tuổi thọ máy và tiêu tốn nhiều điện năng hơn mà phòng cũng không đủ mát. Ngược lại, việc lắp điều hòa có công suất quá lớn so với diện tích phòng cũng gây ra tình trạng lãng phí điện năng và chi phí mua điều hòa cũng cao hơn.
Hướng dẫn lựa chọn điều hoà theo công suất điều hòa theo diện tích phòng: - Diện tích dưới 15 m2 chọn điều hòa công suất 1HP ~ 9000 BTU - Diện tích từ 15 - 20 m2 chọn điều hòa công suất 1.5 HP - 12.000 BTU - Diện tích từ 20 - 30 m2 chọn điều hòa công suất 2 HP - 18.000 BTU - Diện tích từ 30 - 40 m2 chọn điều hòa công suất 2.5 HP ~ 240.000 BTU |
Sau khi chọn được chiếc điều hòa có công suất phù hợp với diện tích phòng, người dùng cần tính toán kỹ lưỡng vị trí lắp đặt, xác định nơi đặt hai dàn nóng - lạnh để tăng độ bền và tiết kiệm điện năng.
Dưới đây là những điều cần tránh khi lắp đặt điều hoà.
ĐỐI VỚI DÀN NÓNG ĐIỀU HOÀ
Lắp dàn nóng điều hòa ở phần mặt tường thường xuyên có nắng chiếu
Lắp đặt dàn nóng điều hòa tại đúng hướng nắng là nguyên nhân hàng đầu rút ngắn ''tuổi thọ'' điều hòa và khiến hóa đơn tiền điện tăng mạnh. Lý do là máy điều hòa sẽ làm việc quá tải khi phải tản nhiệt chiếc tường nóng trước rồi mới tới quá trình làm mát không khí trong phòng.
Vị trí tốt nhất để đặt cục nóng điều hòa là ở những nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và có mái che. Khi lắp đặt cần phải lắp cách tường ít nhất 10cm và không được che đậy dàn nóng, chỉ làm mái che chắn để không bị tác nhân bên ngoài môi trường làm ảnh hưởng.
Lắp nhiều dàn nóng gần nhau
Để tiết kiệm không gian cũng như để thuận tiện cho việc bảo trì nhiều gia đình lắp đặt các dàn nóng sát nhau, điều này khiến dàn nóng không được tản nhiệt trong điều kiện tốt nhất, lúc này nhiệt độ sẽ tăng cao hơn nhiều, điều hòa phải hoạt động nhiều hơn – gây ra tốn điện, giảm tuổi thọ của máy.
Việc lắp đặt các dàn nóng sát nhau khiến dàn nóng không được tản nhiệt trong điều kiện tốt nhất gây tốn điện, giảm tuổi thọ của máy.
TS. Nguyễn Xuân Tiên giải thích thêm, khi hoạt động, các cục nóng này sẽ đồng loạt xả ra khí nóng. Vì vậy nhiệt năng xung quanh khu vực cục nóng sẽ luôn cao. Điều này có thể dẫn tới hư hỏng nghiêm trọng các mạng mạch, suy giảm tuổi thọ của cục nóng cũng như chính chiếc điều hòa. Môi trường xung quanh quá nóng cũng có thể gây cản trở cho quá trình hoạt động của cục nóng nói riêng hay hệ thống điều hòa nói chung, thời gian làm lạnh có thể gia tăng từ đó hao tốn nhiều điện năng hơn.
Chính vì vậy, với những gia đình có nhiều ban công và nhiều điều hòa, hãy phân bổ lắp đặt dàn nóng sao cho hợp lý. Tốt hơn hết nên lắp đặt riêng biệt vị trí của những cục nóng điều hòa, mỗi chiếc lắp đặt ở các khu vực khác nhau. Tuy nhiên vị trí lắp đặt cục nóng cũng phải tương thích với độ dài của cuộn dây đồng nối cục nóng với dàn lạnh. Từ đó điều hòa mới đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Lắp dàn nóng quá xa dàn lạnh
Để tránh nắng, lắp dàn nóng quá xa dàn lạnh trong nhà cũng là một sai lầm lớn, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của điều hòa. Bạn nên đảm bảo khoảng cách giữa cục nóng và cục lạnh từ 3 đến 7m, không được lắp đặt quá 8m.
Lắp dàn nóng cao hơn dàn lạnh
Hãy đặt dàn nóng điều hòa ở vị trí bên dưới dàn lạnh. Vì nếu bạn đặt dàn lạnh thấp hơn cục nóng, gas điều hòa sẽ bay hơi hết mà dầu vẫn còn cặn lại, có thể chảy ngược lại đến dàn lạnh ảnh hưởng tới hoạt động điều hòa.
Trong trường hợp bắt buộc phải lắp đặt cục nóng điều hòa cao hơn cục lạnh hãy yêu cầu nhân viên kỹ thuật bố trí thêm hệ thống bẫy dầu đơn giản bằng cách uốn ống dẫn dầu thành hình chữ U để ngăn không cho dầu chảy theo đường ống đến dàn lạnh.
Nếu bắt buộc phải lắp đặt cục nóng điều hòa cao hơn cục lạnh hãy bố trí thêm hệ thống bẫy dầu
Lắp dàn nóng ở bên trong nhà
Do lo lắng dàn nóng điều hòa lắp đặt ngoài trời nhanh hỏng nên nhiều người lựa chọn lắp cục nóng bên trong ngôi nhà. Tuy nhiên, cục nóng có vai trò chính là tỏa nhiệt nên bạn không nên lắp đặt cục nóng trong nhà.
Cục nóng điều hòa có nhiệt lượng tỏa ra sẽ khiến không khí nóng lên trong phòng. Lúc này dàn lạnh hoạt động sẽ phải hoạt động liên tục trong công suất lớn, tiêu tốn nhiều điện năng.
Lắp dàn nóng và dàn lạnh cũng một phòng sẽ khiến dàn lạnh hoạt động phải hoạt động liên tục trong công suất lớn, tiêu tốn nhiều điện năng.
ĐỐI VỚI LẮP ĐẶT DÀN LẠNH ĐIỀU HOÀ
Dàn lạnh là bộ phận được lắp đặt bên trong ngôi nhà vì vậy khi lắp đặt cần đảm bảo tính thẩm mỹ cho căn phòng nhưng chức năng chính là làm mát, điều hòa không khí trong phòng không bị ảnh hưởng.
Lắp dàn lạnh sát trần
Dàn lạnh nếu lắp đặt sát trần quá sẽ làm cửa gió hồi bị cản trở, tổn thất áp suất lớn, lưu lượng giảm gây tiếng ồn và điện tiêu thụ tăng, hiệu suất giảm.
Dàn lạnh nên được lắp đặt ở độ cao cách nền nhà từ 2,8 - 3 mét, cách trần nhà ít nhất 30cm. Khi lắp đặt dàn lạnh ở độ cao này, khí lạnh từ điều hòa mới được phân phối đều khắp phòng
Dàn lạnh nên được lắp đặt ở độ cao cách nền nhà từ 2,8 - 3 mét, cách trần nhà ít nhất 30cm.
Lắp dàn lạnh ở góc tường
Nhiều người tin rằng lắp dàn lạnh điều hòa ở khu vực nóng nhất phòng, thậm chí là trong góc tường sẽ giúp nhanh chóng giảm nhiệt và tạo không khí thoáng mát cho căn phòng. Đây là cách làm hoàn toàn sai lầm. Bởi khi lắp điều hòa ở góc tường nóng sẽ khiến điều hòa vận hành quá tải, chạy tốn điện hơn bình thường.
Thay vào đó, người dùng nên lắp dàn lạnh ở những vị trí mát mẻ, thoáng đãng và nằm ở trung tâm căn phòng. Bằng cách này, nhiệt độ trong phòng mới có thể giảm nhanh rồi mới từ từ làm mát ở các khu vực tụ nhiều hơi nóng như bề mặt tường, góc nhà.
Lắp dàn lạnh gần cửa sổ
Quan điểm ”nơi nóng nhất mới cần làm mát” vì thế lắp gần cửa sổ. Điều này cũng nên tránh, khi lắp dàn lạnh trong nhà cần lắp ở nơi thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp, gần các nguồn phát nhiệt để tránh điều hòa phải hoạt động với cường độ cao – gây tốn điện.
Tránh lắp dàn nóng ở vị trí quá cao hoặc quá thấp, thuận tiện cho việc vệ sinh và bảo trì, qua đó giúp điều hòa hoạt động ổn định, phân bố hơi lạnh đồng đều khắp phòng.
Lắp dàn lạnh chung cho hai phòng
Nhiều gia đình lựa chọn cách “xem là thông minh”, đó là tận dụng 1 chiếc điều hòa rồi đập thông tường, làm mát cho cả 2 căn phòng cạnh nhau. Người dùng quan niệm rằng, cách làm này vừa giúp tiết kiệm được chi phí mua điều hòa, chi phí lắp đặt cũng như chi phí về tiền điện. Tuy nhiên thực tế lại trái ngược hoàn toàn.
Theo anh Nguyễn Văn Trinh - một thợ lắp điều hòa có hơn 10 năm kinh nghiệm tại Hà Nội, việc dùng 1 điều hòa chung cho 2 phòng sẽ khiến quá trình làm mát của thiết bị chậm hơn và tiêu tốn nhiều điện năng hơn. Nguyên nhân là do dàn lạnh của điều hòa thường có dạng cánh quạt để thổi luồng không khí mát ra bên ngoài, vì vậy khi lắp điều hòa ở bức tường giữa chia đôi 2 phòng, phần gió từ cánh quạt sẽ bị cản bởi bức tường, dẫn đến điều hòa làm lạnh chậm hơn. Điều hòa cũng phải hoạt động hết công suất để làm mát cả 2 phòng, vừa giảm tuổi thọ thiết bị, vừa hao tốn điện năng.
Hiện nay, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra chi phí cao hơn để đầu tư điều hòa thế hệ mới có khả năng làm mát vượt trội (làm lạnh thoải mái, làm lạnh không khô) và tiết kiệm điện năng so với máy điều hòa truyền thống, nhưng lại không chú ý khâu lắp đặt khiến điều hoà giảm hiệu quả khi sử dụng. Hi vọng với những chia sẻ kinh nghiệm lắp đặt trên sẽ giúp điều hoà của gia đình bạn hoạt động hiệu quả, bền hơn và tiêu tốn ít điện năng.
Anh Thư