Thứ bảy, 23/11/2024 | 02:14 GMT+7
Mặc dù hiện nay, việc tái chế rác thải đang ngày càng trở nên phổ biến và ngày càng có nhiều người ý thức hơn về vấn đề này, chúng ta vẫn phải hành động nhiều hơn nữa để cắt giảm lượng rác mà chúng ta thải ra và tái sử dụng các vật liệu trước khi vứt chúng đi.
1. Túi xách đi shopping
Hãy bắt đầu hành động từ những chiếc túi xách đi shopping của bạn. Nếu như mỗi lần đi mua sắm, bạn lại sử dụng túi ni-lông dùng một lần thì không những bạn không hề có ý thức trong cắt giảm lượng rác thải mà còn gây hại co môi trường. Bạn có biết rằng một chiếc túi tái sử dụng có tuổi thọ hơn gấp 700 lần so với túi ni-lông dùng một lần? Nếu một người dùng túi tái sử dụng trong suốt cuộc đời của mình, họ sẽ cắt giảm được khoảng hơn 22,000 túi ni-lông.
Túi ni-lông được sản xuất từ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, 2 nguồn nguyên liệu không tái tạo được. Để sản xuất được túi ni-lông, chúng ta phải đốt cháy nhiều nhiên liệu hóa học và chặt nhiều cây xanh. Dù túi ni-lông có thể tái chế được nhưng chi phí tái chế quá lớn khiến nhiều nhà máy không thực hiện điều này.
Thay vì được tái chế, túi ni-lông bị vứt ở các bãi rác mà phải mất từ 15 - 1000 năm mới có thể phân hủy được.
Bãi biển là nơi mà nhiều túi ni-lông bị vứt ra nhất. Ủy ban bảo vệ đại dương cho biết mỗi dặm vuông đại dương có đến 46,000 túi ni-lông và mỗi năm có khoảng một triệu con chim, hàng trăm ngàn con rùa và vô số những loài động vật biển khác chết đi vì ăn phải túi ni-lông.
Tui tái sử dụng được bán rất nhiều ở các cửa hàng. Chúng được làm ra từ những nguyên liệu giá rẻ nhưng lại rất bền, có thể sử dụng nhiều lần. Hãy sử dụng túi tái chế thay vì túi ni-lông sử dụng một lần để vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm nguồn nhiên liệu hóa thạch khan hiếm. Hãy để sẵn túi tái chế trong cốp xe của bạn để bạn có thể dùng khi ghé vào cửa hàng bất cứ lúc nào.
2. Chai nhựa đựng nước
Để sản xuất ra chai nhựa, chúng ta phải mất đến hàng triệu thùng dầu mỗi năm. Việc vận chuyển các chai nhựa này cũng thải ra hàng ngàn tấn khí CO2 độc hại. Giống như túi ni-lông, chai nhựa cũng mất đến 1000 năm để phân hủy. Nếu bị thiêu hủy, chúng sẽ thải ra rất nhiều khói độc hại.
Không chỉ gây hại cho môi trường mà giá của nước đóng chai còn đắt hơn nước máy từ 240 - 10,000 lần. Hiệp hội Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho biết 25% nước đóng chai chỉ là nước máy được đựng trong chai.
Vậy, thay vì dùng chai nhựa, bạn hãy dùng chai thủy tinh để đựng nước. Như vậy, không những bạn cắt giảm được lượng rác thải mà mình thải ra mà còn góp phần cắt giảm lượng dầu tiêu tốn cho việc sản xuất chai nhựa. Nếu như bạn không thích vị của nước máy, bạn có thể mua thêm bộ lọc nước. Giá của bộ lọc này rẻ hơn rất nhiều so với việc sử dụng nước đóng chai.
3. Cốc giấy
Các loại cốc, đĩa làm bằng nhựa hoặc giấy chống thấm đều đang được rất nhiều người ưa dùng vì tính tiện dụng và nhanh gọn của chúng. Song, nếu xét trên 2 khía cạnh vật liệu thô và mức độ ô nhiễm thì cốc giấy tưởng chừng như vô hại lại nguy hiểm và tiêu tốn tài nguyên hơn cốc nhựa rất nhiều.
Nguyên liệu để sản xuất cốc nhựa là Polystyrene, một loại nhựa nhiệt dẻo, có nguồn gốc từ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Người ta phải dùng 4,748 lít nước để sản xuất ra 10,000 chiếc cốc nhựa xốp. Còn đối với loại cốc giấy, để đáp ứng nhu cầu sản xuất cốc giấy, người ta phải chặt 20 triệu cây xanh mỗi năm. Ngành sản xuất cốc giấy phải tiêu tốn đến 8,095 lít nước để tạo ra 10,000 cốc giấy có tay cầm.
Để sản xuất 10,000 cốc nhựa, các nhà máy thường xuyên phải đốt cháy 204 kg than đá. Trong khi đó, người ta phải đốt cháy đến 245.8 kg than để sản xuất cùng số lượng 10,000 cốc giấy. Tính trung bình, các cơ sở sản xuất cốc nhựa dẻo phải mất 3.2gr dầu mỏ để sản xuất và vận chuyển một chiếc cốc nhựa. Còn cốc giấy mất tới 4.1gr dầu mỏ.
Về mức độ ô nhiễm, việc sản xuất 10,000 cốc nhựa dẻo thải ra 308.4 kg khí gây hiệu ứng nhà kính, còn việc sản xuất ra 10,000 cốc giấy có tay cầm thải ra lượng khí gây hiệu ứng nhà kính lớn hơn gấp nhiều lần.
Do đó, để tiết kiệm tài nguyên nước, than đá, dầu mỏ và hạn chế việc chặt cây xanh để sản xuất cốc giấy, bạn hãy mang theo bên mình một chiếc phích giữ nhiệt để tiện mua cafe mang về, thay vì đựng trong cốc giấy.
Ngọc Diệp (Theo The Green Optimistics)